Đề xuất nâng thời gian kê đơn thuốc điều trị bệnh mãn tính lên 2-3 tháng/lần

(PLO)- Đề xuất nâng thời gian kê đơn thuốc điều trị các bệnh mãn tính lên 2-3 tháng/lần nhằm giảm thời gian đi lại, chờ đợi và kinh phí cho người bệnh, giảm tải cho các cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết cơ quan này đã nhận được công văn ngày 11-6 của BHXH Việt Nam đề xuất về việc điều chỉnh thời gian kê đơn thuốc, cấp thuốc điều trị ngoại trú cho một số bệnh mãn tính ổn định như tiểu đường, tăng huyết áp… với số lượng thuốc được kê đơn sử dụng tối thiểu 60 ngày.

Trong thời gian uống thuốc điều trị, người bệnh cần đi khám bệnh thì vẫn được hưởng chế độ BHYT.

Theo BHXH Việt Nam, điều chỉnh này nhằm giảm thời gian đi lại, chờ đợi và kinh phí cho người bệnh, giảm tải cho các cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên.

Cùng với đó, Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng nhận được công văn ngày 18-6 của Sở Y tế Hà Nội về việc triển khai thí điểm cấp thuốc mãn tính 2 tháng/lần tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.

Công văn nêu rõ, trong thời gian dịch bệnh COVID-19, việc cấp thuốc điều trị bệnh mãn tính 2 tháng/lần đối với nhóm bệnh mãn tính ổn định đã mang lại hiệu quả cho cả người bệnh và bệnh viện, giảm bớt áp lực chờ đợi cho người bệnh, đặc biệt là người bệnh cao tuổi, sức khỏe yếu.

Trong quá trình khám chữa bệnh tại bệnh viện, phần lớn người bệnh bày tỏ nguyện vọng được cấp thuốc 2 tháng/lần để giảm thời gian đi lại.

thời gian kê đơn thuốc.png
Đề xuất nâng thời gian kê đơn thuốc nhằm thuận tiện, tiết kiệm hơn cho người dân. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Ngoài ra, theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, nhiều bác sĩ, chuyên gia y tế cũng đề nghị xem xét điều chỉnh thời gian kê đơn đối với một số bệnh mãn tính đã điều trị ổn định có thể tối đa là 60 ngày hoặc 90 ngày, thậm chí có thể lâu hơn.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh thời gian kê đơn thuốc trong mỗi trường hợp phải xem xét cụ thể từng mặt bệnh, tình trạng của người bệnh, cần lấy hiệu quả điều trị và an toàn của người bệnh là ưu tiên hàng đầu.

Cục Quản lý khám chữa bệnh đề nghị các bệnh viện và các hội chuyên ngành rà soát danh mục bệnh, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh được kê đơn tối đa không quá 60 hoặc 90 ngày trong các nhóm: bệnh nhiễm trùng và ký sinh trùng, bệnh về ung thư, bệnh về máu, bệnh về nội tiết chuyển hóa và các bệnh tâm thần.

Căn cứ ý kiến của các cơ sở khám chữa bệnh, Hội đồng của Bộ Y tế sẽ xem xét thí điểm kê đơn thuốc dài hơn 30 ngày đối với một số bệnh mãn tính.

Trước đó, trong giai đoạn dịch COVID-19, năm 2022, Cục Quản lý Khám chữa bệnh có công văn đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, y tế các Bộ, ngành và BHXH Việt Nam, đề nghị góp ý về thời gian kê đơn tối đa cho mỗi lần kê đơn thuốc ngoại trú.

Sau đó, tính đến ngày 5-9-2022, Cục Quản lý Khám chữa bệnh nhận được 269 ý kiến góp ý của các địa phương, đơn vị.

Phần lớn các Sở Y tế, cơ sở khám chữa bệnh đề xuất việc giữ nguyên quy định về thời gian kê đơn thuốc ngoại trú đối với thuốc gây nghiện, hướng thần, thuốc tiền chất và thuốc điều trị bệnh cần chữa trị dài ngày khác (bao gồm thuốc ARV điều trị cho người bệnh HIV/AIDS).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm