Sáng 27-5, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).
Liên quan đến việc chậm đóng BHXH, trốn đóng BHXH bắt buộc và biện pháp xử lý (quy định tại các điều 37, 38, 39 và 40), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết một số ý kiến đề nghị không áp dụng biện pháp xử lý như ngừng sử dụng hóa đơn, tạm hoãn xuất cảnh, quy định về khởi kiện, khởi tố đối với người sử dụng lao động chậm đóng BHXH, trốn đóng BHXH.
Lý do, hiện nay vấn đề này đã giao cho BHXH Việt Nam trách nhiệm thanh tra chuyên ngành đóng BHXH và có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các quy định như dự thảo Luật về khởi kiện, khởi tố là chưa phù hợp với pháp luật về tố tụng dân sự và tố tụng hình sự.
Ngoài ra, một số ý kiến thống nhất với đề xuất như dự thảo luật do Chính phủ trình, mở rộng các chế tài xử lý nêu trên nhằm khắc phục tình trạng nhiều người sử dụng lao động chậm đóng BHXH, trốn đóng BHXH để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Luật hiện hành không có quy định tách biệt, phân định rõ ràng về hành vi “chậm đóng BHXH” và hành vi “trốn đóng BHXH”. Do vậy đã gây khó khăn trong việc áp dụng biện pháp xử lý đối với từng mức độ của mỗi hành vi theo các chế tài hành chính hoặc hình sự. Từ đó dẫn đến tình hình chậm đóng BHXH, trốn đóng BHXH vẫn diễn biến phức tạp nhưng số vụ được khởi tố còn ít và hầu như chưa có vụ việc nào được đưa ra xét xử .
Để khắc phục tình trạng này, bà Thúy Anh cho hay dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng làm rõ và tách riêng các điều quy định về chậm đóng BHXH (Điều 37), trốn đóng BHXH (Điều 38), xử lý chậm đóng BHXH (Điều 39), xử lý trốn đóng BHXH (Điều 40).
Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, Ủy ban Tư pháp và các cơ quan rà soát, nghiên cứu sửa đổi Nghị quyết 05/2019 để có thể xử lý các vụ việc cụ thể trên thực tiễn.
Cũng theo Thường vụ Quốc hội, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về việc áp dụng các chế tài xử lý, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng chưa quy định chế tài ngừng sử dụng hóa đơn vì chưa thống nhất với quy định của pháp luật về thuế; chưa xử lý được xung đột khi doanh nghiệp chậm đóng BHXH, trốn đóng BHXH nhưng vẫn phát sinh và duy trì nghĩa vụ nộp thuế... thậm chí dẫn đến việc doanh nghiệp phải dừng hoạt động kinh doanh; chưa có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp khắc phục việc chậm đóng BHXH.
Mặt khác, quy định chế tài tạm hoãn xuất cảnh theo hướng dẫn chiếu áp dụng quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam...
Ý kiến về biện pháp xử lý vi phạm chậm đóng BHXH bắt buộc (điều 39), đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn TP Cần Thơ), đề nghị bổ sung quy định cơ quan có thẩm quyền thông báo tên, địa chỉ doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH cho người lao động biết trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu của các trung tâm giới thiệu, môi giới việc làm…
Thông qua đó, người lao động sẽ có đầy đủ thông tin trước khi ra quyết định lựa chọn doanh nghiệp mà mình xin vào làm việc. “Quy định này cũng nhằm đảm bảo nâng cao tính cảnh báo, răn đe và thông tin minh bạch cho người lao động biết” – đại biểu Nghĩa nhấn mạnh.
Về vấn đề rút BHXH 1 lần, ông Đào Chí Nghĩa tán thành với phương án 2 là người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.
Ông cho rằng phương án này dù không chấm dứt tình trạng rút BHXH 1 lần nhưng đảm bảo quyền lựa chọn của người tham gia BHXH.
“Tuy việc này trước mắt sẽ làm giảm quyền lợi của người tham gia nhưng về lâu dài người lao động sẽ được bảo đảm an sinh xã hội khi về già, đồng thời giữ chân người lao động tham gia BHXH lâu dài và tiến tới chăm lo an sinh xã hội cho người lao động khi hết tuổi lao động” – ông nói thêm.