Đề xuất nhận diện xe bằng tem đăng kiểm

Bộ GTVT vừa có văn bản đề nghị xây dựng Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi. Theo đó, bộ đề xuất luật hóa nhiều quy định.

Quy định điều kiện tham gia giao thông

Điểm đáng chú ý của Luật GTĐB sửa đổi là Bộ GTVT đề xuất phương án quy định điều kiện tham gia giao thông như độ tuổi, các yêu cầu về kỹ năng… của người điều khiển phương tiện gắn máy có dung tích xylanh dưới 50 cm3 và tương đương. bởi lẽ hiện nay pháp luật chỉ quy định giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe dùng động cơ nhiệt trên 50 cm3.

Theo Bộ GTVT, một số quốc gia trên thế giới đều quy định về độ tuổi và điều kiện để được điều khiển phương tiện gắn máy dưới 50 cm3, xe máy điện. Điển hình, hầu hết các bang ở Mỹ, Ireland, Vương quốc Anh quy định người điều khiển xe gắn máy dưới 50 cm3 phải từ đủ 16 tuổi trở lên và phải có giấy phép lái xe. Ở Singapore, Canada quy định người 12-16 tuổi trở lên mới được điều khiển xe đạp điện. ở một số quốc gia như Úc, Bắc Kinh (Trung Quốc), Nhật Bản, người điều khiển xe đạp điện phải có giấy phép lái xe.

“Việc điều khiển phương tiện gắn máy dưới 50 cm3, xe đạp điện, xe máy điện ở các quốc gia trên thế giới đều có những điều kiện nhất định để đảm bảo an toàn giao thông” - Bộ GTVT khẳng định.

Trong khi đó ở Việt Nam, việc sử dụng xe đạp điện, xe máy điện đang rất phổ biến. Theo nghiên cứu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đa số học sinh THPT lựa chọn xe đạp điện, xe máy điện là phương tiện đi lại (chiếm 52%). Tuy nhiên, tỉ lệ tai nạn giao thông với học sinh liên quan đến phương tiện này ở mức rất cao (chiếm 90% các vụ tai nạn liên quan tới trẻ em trong ba năm gần đây).

“Việc bổ sung quy định trên sẽ giảm số lượng các vụ tai nạn giao thông, giảm số người chết, người bị thương, giảm chi phí xã hội giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông…” - Bộ GTVT nhận định.

Thời gian qua, một số đơn vị đề xuất nhận diện xe kinh doanh vận tải bằng biển số.  Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho rằng quy định trên không phù hợp, tốn kém. Ảnh: VIẾT LONG

Nhận diện phương tiện thông qua tem đăng kiểm

Một điểm đáng chú ý nữa là lần này Bộ GTVT đề xuất dùng màu tem đăng kiểm để nhận diện giữa phương tiện kinh doanh vận tải (KDVT) và phương tiện không KDVT.

Theo Bộ GTVT, cơ quan cấp giấy phép KDVT khi xem xét thấy doanh nghiệp đủ điều kiện để cấp giấy phép kinh doanh sẽ gửi danh sách phương tiện KDVT cho cơ quan đăng kiểm. Sau đó cơ quan đăng kiểm sẽ thực hiện việc thay đổi tem đăng kiểm làm cơ sở cho việc nhận diện phương tiện. Ngoài ra, tem đăng kiểm còn có thể dễ dàng in thêm mã QR mà không phát sinh thêm chi phí. Mã QR sẽ hỗ trợ nhận diện phương tiện thông qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Quy định này sẽ tạo môi trường KDVT lành mạnh, minh bạch, kiểm soát được nghĩa vụ nộp thuế của người KDVT. “việc nhận diện màu và mã QR của tem đăng kiểm sẽ giảm thời gian thao tác nghiệp vụ như kiểm tra giấy tờ, thông tin của phương tiện, xử lý vi phạm hành chính kịp thời, chính xác...” - Bộ GTVT khẳng định. bộ này cho rằng chính sách này không gây ra các xáo trộn về cơ cấu tổ chức thực hiện, hơn nữa thủ tục đơn giản cho người dân.

Đại diện Bộ Tư pháp cho rằng hiện nay, cùng sự phát triển của công nghệ, việc KDVT được thực hiện thông qua các hệ thống phần mềm. do vậy, việc thay đổi màu biển số xe để phân biệt xe KDVT với xe không KDVT sẽ khó đạt được mục tiêu mà cơ quan chủ trì soạn thảo đề ra. “Bên cạnh đó, những tác động của chính sách này đối với đời sống của các cá nhân, tổ chức rất lớn nên cần được đánh giá kỹ hơn...” - Bộ Tư pháp nhấn mạnh. 

Ngoài ra, trong các phương án đề xuất, bộ cũng nhắc tới quy định màu biển số xe đối với xe KDVT và xe không KDVT.

Tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ GTVT cũng nhìn nhận chính sách này sẽ phát sinh chi phí lớn. Bởi theo thống kê, tính đến hết tháng 3-2019, cả nước hiện có 702.370 ô tô KDVT và ô tô các loại. Trong đó, chi phí đổi giấy đăng ký kèm theo biển số xe có lệ phí là 150.000 đồng/lần/xe. Nếu thực hiện theo chính sách này, Nhà nước sẽ phải chi hơn 106 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, phương án này còn có sự thiếu sự linh hoạt trong việc sử dụng phương tiện. “Trường hợp phương tiện KDVT chuyển mục đích sử dụng nhưng chưa thực hiện việc đăng ký, cấp lại biển số khi tham gia giao thông cũng phải có những ràng buộc nhất định. Việc này nhằm phân định trách nhiệm giữa chủ thể KDVT và chủ thể không KDVT…” - Bộ GTVT nhận định và đồng tình không đề xuất phương án này vào luật.

Luật Giao thông đường bộ hiện hành đã bộc lộ hạn chế

Bộ GTVT cho biết Luật GTĐB hiện hành sau nhiều năm đã bộc lộ những hạn chế. Theo đó, bộ đề xuất luật hóa quy định hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, dừng đỗ xe, quy định cấm người lái ô tô sử dụng điện thoại khi đang điều khiển xe, quy định phải thắt dây an toàn tại các vị trí có dây trên ô tô...

Bộ cũng đề xuất sẽ quy định KDVT đường bộ là loại hình kinh doanh có điều kiện, giao thẩm quyền Chính phủ quy định chi tiết các điều kiện KDVT đường bộ.

Bên cạnh đó, đề xuất quy định khung pháp lý về quản lý chất lượng, an toàn kỹ thuật của phương tiện giao thông thông minh; khung pháp lý về kiểm tra thử nghiệm đánh giá linh kiện, phụ tùng trong sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu phương tiện giao thông, trách nhiệm của chủ phương tiện và người lái trong việc bảo dưỡng kỹ thuật… Đặc biệt, bộ đề xuất điều chỉnh hạng giấy phép lái xe. Trong đó, quy định thêm hạng A1.2 nằm trong hạng A1 và hạng D1, D2 nằm trong hạng D nhằm phù hợp với Công ước Viên về GTĐB. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm