Dự thảo Luật Đường bộ đang tiếp tục được Bộ GTVT lấy ý kiến từ người dân. Trong đó, tại Chương IV về vận tải đường bộ, Bộ GTVT đề xuất nhiều điểm mới.
Theo Bộ GTVT, so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật có các điểm mới như sau: Bổ sung các quy định về hoạt động vận tải đường bộ, hoạt động vận tải đường bộ trong nước, hoạt động vận tải đường bộ quốc tế.
Theo đó, hoạt động vận tải đường bộ là hoạt động do tổ chức, cá nhân sử dụng xe thô sơ, xe cơ giới để vận chuyển người, hàng hoá trên đường bộ trong nước, quốc tế. Hoạt động vận tải đường bộ trong nước là hoạt động do tổ chức, cá nhân sử dụng xe thô sơ, xe cơ giới để vận chuyển người, hàng hoá trên đường bộ trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Hoạt động vận tải đường bộ quốc tế là hoạt động do tổ chức, cá nhân sử dụng xe ô tô để vận chuyển người, hàng hoá qua lại giữa Việt Nam với các nước (Điều 55).
“Trên cơ sở định danh các loại hình hoạt động vận tải để có những phương thức quản lý phù hợp tạo điều kiện cho hoạt động vận tải đường bộ quốc tế được phát triển một cách đa dạng, linh hoạt, có tính hội nhập khu vực và quốc tế, đặc biệt là trong việc thực hiện các hiệp định song phương và đa phương về vận tải đường bộ quốc tế”- tờ trình của Bộ GTVT nêu.
Dự thảo Luật cũng đã quy định rõ hoạt động kinh doanh vận tải và hoạt động vận tải nội bộ để có những điều tiết phù hợp giữa 2 loại hình này, đảm bảo công bằng, minh bạch, bảo đảm an toàn trong hoạt động vận tải đường bộ.
Dự thảo Luật Đường bộ đưa ra nhiều điểm mới đối với loại hình kinh doanh vận tải. Ảnh: TN |
Sắp xếp lại các loại hình kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Theo đó, dự thảo Luật quy định kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc tổ chức, cá nhân điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải để thực hiện hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.
“Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện gồm kinh doanh vận tải hành khách và kinh doanh vận tải hàng hoá. Trong đó kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô gồm: kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt (trong đó có tuyến xe buýt kết nối sân bay), kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và loại hình kinh doanh vận tải hành khách mới”- Bộ GTVT phân tích trong tờ trình.
Đồng thời dự thảo Luật đã giao Chính phủ quy định cụ thể về loại hình kinh doanh vận tải; quy định về điều kiện kinh doanh, trình tự, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; quy định về tổ chức hoạt động và trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động vận tải nội bộ.
Như vậy, dự thảo Luật đã khắc phục được điểm hạn chế của Luật Giao thông đường bộ 2008 trong việc quy định cụ thể các loại hình kinh doanh vận tải và điều kiện kinh doanh của từng loại hình kinh doanh vận tải trong luật. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho Chính phủ trong việc điều tiết các điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô để phù hợp với nhu cầu quản lý và nhu cầu phát triển của hoạt động kinh doanh vận tải trong từng thời kỳ phát triển nhất định; điều tiết kịp thời các loại hình kinh doanh vận tải mới phát sinh do tính tất yếu của thị trường, do sự quốc tế hóa đan xen trong quá trình hợp tác, mở cửa.
“Sửa đổi, bổ sung quy định về thời gian làm việc của người lái xe, ngoài việc đảm bảo thời gian theo quy định của Bộ Luật lao động, thời gian lái xe liên tục, thời gian nghỉ giữa 2 lần lái xe liên tục vào ban ngày, ban đêm, theo loại hình kinh doanh vận tải để đảm bảo sức khoẻ của người lái xe trong đó có sức khoẻ người lái xe ban đêm”- điểm mới khác của dự thảo.
Dự thảo cũng bổ sung quy định về công tác quản lý an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Theo đó, dự thảo Luật yêu cầu đơn vị vận tải bằng xe ô tô phải bảo đảm công tác quản lý an toàn giao thông trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô. Đồng thời, dự thảo Luật giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về công tác quản lý an toàn giao thông trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô (Điều 57).
Bên cạnh đó, dự thảo còn bổ sung quy định về vận tải hành khách công cộng bằng xe ô tô; cơ chế, chính sách phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe ô tô. Theo đó, chỉ vận tải hành khách công cộng bằng xe ô tô sử dụng xe ô tô khách thành phố theo tuyến và lịch trình cố định trên đường bộ với dịch vụ vận tải ổn định và tin cậy, đáp ứng nhu cầu đi lại thường xuyên của người dân thì sẽ nhận được các cơ chế ưu đãi như: ưu đãi thuế nhập khẩu đối với những loại phụ tùng, linh kiện mà trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, lắp ráp phương tiện; lệ phí trước bạ đối với phương tiện vận tải sử dụng năng lượng sạch; trợ giá cho người sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng; ưu tiên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng, đầu tư phương tiện; miễn, giảm tiền thuê đất đối với phần diện tích bãi đỗ xe, xưởng bảo dưỡng phục vụ hoạt động vận tải hành khách công cộng; điểm đầu, điểm cuối hoặc bến xe, trạm trung chuyển, điểm dừng đỗ đón, trả khách được ưu tiên bố trí xây dựng tại các đầu mối giao thông, ga đường sắt, cảng hàng không, khu đô thị có mật độ dân cư lớn để kết nối với các phương thức vận tải đường sắt, hàng không và vận tải trong đô thị; ưu tiên đầu tư, xây dựng và bố trí đường, làn đường dành riêng cho xe buýt. Đây là chính sách thu hút đầu tư vào vận tải hành khách công cộng, thông qua đó, có thể hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân ở các thành phố lớn (Điều 59).
Ngoài ra, Bộ GTVT bổ sung hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng xe 4 bánh có gắn động cơ (Điều 76); hoạt động vận chuyển bệnh nhân bằng xe cứu thương (Điều 77); hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô (Điều 78); dịch vụ cho thuê phương tiện (Điều 86); dịch vụ cứu hộ giao thông đường bộ (Điều 87); ứng dụng phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô (Điều 88) để phù hợp với thực tiễn phát sinh.