Đề xuất ra nghị quyết đặc thù làm nhà ga T3

Ngày 26-3, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM về gỡ vướng một số dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn TP. Trong đó, điển hình là dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất.

Dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất được kỳ vọng sau khi hoàn thành sẽ giảm tải cho nhà ga T1. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Kiến nghị giao trước hơn 16 ha đất nhà ga T3

Về dự án xây dựng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - chủ đầu tư của dự án, cho biết đây là dự án trọng điểm của năm nay cũng như giai đoạn 2021-2026. Mặc dù thời gian qua xảy ra dịch bệnh COVID-19 nhưng vai trò, tính cấp thiết của dự án này không thay đổi, giữa các đợt dịch vẫn chỉ đạo thực hiện.

Theo ông Thanh, mới đây nhất, ngày 3-2, Bộ Quốc phòng đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ kiến nghị cho phép bàn giao trước 16,05 ha đất để đẩy nhanh tiến độ dự án. Sau đó, Bộ Quốc phòng sẽ triển khai thủ tục điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất quốc phòng giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn TP.HCM. Kế đến là điều chỉnh tổng thể kế hoạch sử dụng đất quốc phòng toàn quốc.

“Chúng tôi báo cáo và mong có sự thống nhất của các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Văn phòng Chính phủ nhanh chóng trình Thủ tướng chấp thuận kiến nghị của Bộ Quốc phòng về bàn giao đất trước” - ông Thanh nói.

Ông Thanh cho biết nếu thống nhất được về bàn giao mặt bằng thì theo kế hoạch, nhà ga T3 sẽ khởi công ngay trong tháng 10-2021 và hoàn thành vào quý III-2023.

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết thêm, hiện nay Bộ Quốc phòng đã có văn bản đồng ý tách hạng mục bàn giao 16,05 ha ra khỏi danh mục kế hoạch sử dụng đất quốc phòng giai đoạn 2021-2025. Ông mong có sự ủng hộ của TP.HCM về thống nhất về chủ trương bàn giao đất quốc phòng.

Hai phương án bàn giao đất xây nhà ga T3

Khẳng định tầm quan trọng của nhà ga T3, đại diện Bộ Quốc phòng cho biết bộ rất ủng hộ việc bàn giao 16,05 ha đất trước để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ga.

“Chính vì vướng quy hoạch đất quốc phòng nên chúng tôi đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bàn giao trước. Nếu như chúng ta không giải quyết được vướng mắc này thì có lẽ rất khó bàn giao đất quốc phòng để xây dựng nhà ga T3” - vị đại diện nói.

Tuy nhiên, đại diện một số bộ, ngành cho rằng theo các quy định của pháp luật thì không có căn cứ để bàn giao trước 16,05 ha đất quốc phòng để xây dựng nhà ga T3.

“Nếu Bộ Quốc phòng kịp điều chỉnh được (quy hoạch sử dụng đất quốc phòng - PV) thì đó là giải pháp tối ưu nhất, bàn giao đất để triển khai dự án” - ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT), nói.

Cũng theo vị này, phương án thứ hai là tạo sự đồng thuận của các bộ, ngành để Chính phủ ra nghị quyết đặc thù. Đây là phương án khả thi hơn bởi nếu chờ Bộ Quốc phòng điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thì không thể ngày một ngày hai là xong, mà có khi mất cả năm mới xong.

“Cần xem xét phương án thứ hai, đề xuất với Chính phủ ra nghị quyết đặc thù cho phép đặc thù nhiều chỉ tiêu quy hoạch đất quốc phòng trong giai đoạn này. Từ đó làm cơ sở để Bộ Quốc phòng bàn giao đất cho địa phương thu hồi, bàn giao cho chủ đầu tư xây dựng nhà ga” - ông Phấn nói.

Kết lại nội dung này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn và Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình thống nhất quan điểm cần nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc để sớm triển khai dự án xây dựng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất.

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết sẽ tham mưu để Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng sớm tổ chức một cuộc họp giải quyết vấn đề này.

Mặt bằng vành đai 3 qua TP.HCM tăng lên 1.836 tỉ đồng

Đối với dự án đường vành đai 3, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (đơn vị thay Bộ GTVT quản lý dự án đường vành đai 3), cho biết dự án đang chậm tiến độ so với kế hoạch. Nguyên nhân là do vướng công tác giải phóng mặt bằng.

Riêng đối với đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch đi qua Đồng Nai và TP.HCM, dự kiến khởi công vào quý III-2021. Về mặt bằng cho dự án, đến tháng 6-2021 phía Đồng Nai sẽ hoàn thành, còn phía TP.HCM đang vướng mặt bằng. Trước đây dự kiến khoảng 148 tỉ đồng, nay chi phí giải phóng mặt bằng tăng lên 1.836 tỉ đồng.

Để giải quyết vấn đề này, ông Thi cho biết phía TP.HCM kiến nghị Bộ GTVT báo cáo cấp thẩm quyền phần kinh phí giải phóng mặt bằng tăng thêm thì trung ương đảm nhận. Trước mắt, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị TP cân đối bố trí vốn giải phóng mặt bằng. Trên cơ sở được duyệt, Bộ GTVT sẽ báo cáo cơ quan có thẩm quyền.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết vành đai 3 là dự án giao thông rất quan trọng. Tuyến này sẽ điều hòa dòng xe đường cao tốc và các đường khác về TP.HCM, giảm ùn tắc giao thông trong nội đô TP.HCM.

“TP mong muốn Bộ GTVT nhận phần kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng tăng thêm. Tuy nhiên, vốn trong năm 2020 đã được bố trí hết rồi, Bộ GTVT bây giờ cũng không còn tiền. Kế hoạch trung hạn 2015-2020 đã xong, kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025 thì chưa lập. Bộ GTVT mà đồng ý với TP thì Đồng Nai sẽ so bì” - ông Tuấn nói.

Do vậy, ông Tuấn đề nghị TP vẫn thực hiện theo chủ trương, chịu trách nhiệm chi tiền giải phóng mặt bằng, đưa vào kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình cho biết TP cũng đang gặp khó khăn về vốn. Khi vốn bồi thường giải phóng mặt bằng tăng lên thì tổng vốn dự án cũng đội theo.

Do vậy, ông Bình giao TP Thủ Đức phối hợp với các sở, ngành liên quan khẩn trương rà soát, tính toán lại kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tuần sau báo cáo lại để ông báo cáo Thường trực UBND TP.

Tổng quan hai dự án trọng điểm

Nhà ga hành khách T3 có công suất 20 triệu hành khách/năm. Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 10.990 tỉ đồng, bằng nguồn vốn hợp pháp của ACV (không sử dụng vốn ngân sách nhà nước). Dự án có thời hạn hoạt động 50 năm kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất. Đến thời điểm này, những công tác như kiểm đếm, xác định ranh giới, cắm mốc đã hoàn thành.

Dự án vành đai 3 dài hơn 90 km, chạy qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An.

Đường vành đai 3 chia làm bốn đoạn: Tân Vạn - Bình Chuẩn, Tân Vạn - Nhơn Trạch, Bình Chuẩn - quốc lộ 22 và quốc lộ 22 - Bến Lức. Dự án được Thủ tướng phê duyệt năm 2011 và dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Tuy nhiên, đến nay dự án này mới chỉ làm được đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn dài 16,3 km đoạn qua địa phận tỉnh Bình Dương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm