Đại biểu (ĐB) Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) cho rằng có hai vấn đề quan trọng để thu hút khách nước ngoài đến Việt Nam là hoạt động quảng bá du lịch và xây dựng đội ngũ nhân lực. Tuy nhiên, thực tế nhân lực du lịch Việt Nam vừa thiếu vừa yếu. Nếu tình trạng này không sớm được cải thiện thì trong một vài năm nữa, khi nhân lực du lịch trong khu vực ASEAN được vào Việt Nam thì chúng ta có nguy cơ mất việc ngay trên sân nhà. Từ đó, ĐB Mai đề nghị cần phải tăng cường công tác đào tạo, nâng cao ý thức trách nghiệm của đội ngũ hướng dẫn viên du lịch.
ĐB Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) cho rằng công tác quản lý trong ngành du lịch còn nhiều bất cập, điển hình là tình trạng hướng dẫn viên du lịch chui ngày càng nhiều ở các điểm du lịch nổi tiếng. Cá biệt có hướng dẫn viên du lịch “chui” là người nước ngoài, nói tiếng nước ngoài, sử dụng đồng tiền nước ngoài và xuyên tạc lịch sử văn hóa Việt Nam như trường hợp ở TP Đà Nẵng.
“Được biết đây không phải là trường hợp đầu tiên hướng dẫn viên nước ngoài xuyên tạc lịch sử, văn hóa Việt Nam. Ở Đà Nẵng có khoảng 60 hướng dẫn viên người Trung Quốc hoạt động chui trên địa bàn. Nghiêm trọng hơn, hầu hết công ty lữ hành nhận dẫn đoàn khách Trung Quốc đều do người Việt đứng tên để đảm bảo thủ tục pháp lý, còn điều hành hoạt động đều do người Trung Quốc đứng sau” - ĐB Dung chỉ rõ bất cập.
ĐB Triệu Thanh Dung nhận thấy những quy định này mới chỉ khắc phục được điểm thiếu mà chưa giải quyết căn bản được điểm yếu và công tác quản lý hướng dẫn viên du lịch. Điều này thể hiện ở chỗ luật chỉ khắc phục tình trạng thiếu hướng dẫn viên bằng cách hạ tiêu chuẩn cấp thẻ hướng dẫn viên mà chưa có quy định kiểm tra kiến thức kỹ năng của hướng dẫn viên. Dự thảo luật mặc dù không công nhận nhưng cũng không có điều khoản cấm hướng dẫn viên du lịch nước ngoài hành nghề tại Việt Nam và các quy định hoặc viện dẫn quy định chế tài xử lý cụ thể.