Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu theo trình tự thủ tục rút gọn, bộ này đã gấp rút gửi văn bản lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp (DN) .
Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý an toàn, bảo đảm cạnh tranh công bằng và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng xăng dầu. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Phải sửa nhiều quy định về kinh doanh xăng dầu
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng các quy định về quản lý xăng dầu hiện nay tại Nghị định 83/2014, Nghị định 95/2021 phải sửa rất nhiều.
Một là việc điều hành giá xăng dầu nên theo ngày để sát với giá thị trường chứ không phải để 10 ngày mới điều chỉnh một lần như quy định hiện hành. Riêng đối với kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ, dịp tết Nguyên đán cần điều hành giá như ngày thường để đảm bảo mọi hoạt động kinh doanh được bình thường. Nếu không làm như trên sẽ khiến thị trường xăng dầu tiếp tục xáo trộn. Bằng chứng là do không điều chỉnh giá vào dịp lễ, tết thời gian qua khiến nhà kinh doanh thua lỗ lớn, gây bất ổn cho thị trường xăng dầu.
Việc sửa đổi Nghị định 95/2021 nên được thực hiện theo hướng thị trường chứ không chỉ dừng ở việc đưa mặt hàng này về một đầu mối quản lý là Bộ Công Thương.
“Về đầu mối quản lý, tôi đồng ý với quan điểm rằng nên để mình Bộ Công Thương quản lý xăng dầu. Vì nếu để hai bộ Công Thương - Tài chính cùng quản lý như lâu nay, trường hợp hai bộ không thống nhất được với nhau thì sẽ rất khó cho việc điều hành và không ai chịu trách nhiệm khi thị trường có vấn đề” - ông Doanh nói.
Đối với quỹ bình ổn xăng dầu, ông Doanh cho rằng nếu dùng quỹ bình ổn để trợ giá quá thấp thì có nguy cơ “khuyến khích” buôn lậu xăng dầu từ nước ta sang các nước xung quanh. Vì vậy, khi điều hành giá xăng dầu được thực hiện hằng ngày thì nên bỏ quỹ bình ổn xăng dầu.
Đặc biệt, theo quy định hiện nay, nhà bán lẻ xăng dầu chỉ được lấy hàng từ duy nhất một nguồn với mục đích để bảo đảm kiểm soát nguồn gốc, chất lượng xăng dầu. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng quy định này không phù hợp thực tế, cần phải sửa đổi.
“Theo đúng nguyên tắc của kinh tế thị trường, các DN cần có quyền tự do kinh doanh, họ có thể ký kết với đơn vị nào cung ứng hàng kịp thời. Nghĩa là nên để DN tự kinh doanh, tự chịu trách nhiệm, Nhà nước không nên can thiệp sâu. Bộ Công Thương chỉ cần quy định DN phải bảo đảm chất lượng xăng dầu và nếu vi phạm thì chế tài là được” - ông Doanh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, một số công ty phân phối xăng dầu lớn cho rằng quy định chỉ được lấy hàng từ một nguồn dẫn đến tình trạng đơn vị bán lẻ bị ép chiết khấu. Vì vậy cần cho phép các đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn nhằm bảo đảm nguồn cung trong trường hợp đơn vị cung cấp hàng bị rút giấy phép hoặc không kịp cung ứng hàng cho DN bán lẻ, tránh tình trạng đứt gãy cục bộ như thời gian qua.
Tám vấn đề cần sửa đổi
Trong văn bản lấy ý kiến góp ý đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014, Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương liệt kê tám vấn đề cần sửa đổi để thuận tiện hơn cho việc góp ý.
• Vấn đề chu kỳ điều hành giá xăng dầu.
• Quy định mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu.
• đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn.
• Quyền và nghĩa vụ của các thương nhân phân phối xăng dầu.
• Quyền và nghĩa vụ của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
• Việc thống nhất đầu mối quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu.
• Việc quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
• việc sửa đổi, bổ sung các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Quy định mức chiết khấu tối thiểu cho DN bán lẻ
Nhiều DN bán lẻ nêu thực tế do không có chiết khấu khiến cửa hàng xăng dầu lỗ liên tiếp, dẫn đến không có tài chính nhập hàng, phải đóng cửa cây xăng. Ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh), nêu ý kiến: Hiện nay, cả nước có đến 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Thời gian qua liên bộ Công thương - Tài chính đã gần như bỏ sót cả khâu phân phối bán lẻ nên DN ở khâu này luôn hoạt động bấp bênh và gần đây gặp rất nhiều khó khăn do thua lỗ kéo dài mà chưa được khắc phục, dẫn đến thị trường luôn bất ổn.
Cụ thể, các nhà bán lẻ xăng dầu có thời điểm không có chiết khấu hoặc chỉ được chiết khấu khoảng 30-40 đồng/lít mang tính tượng trưng mà không biết phản ánh với ai, báo cáo với ai về vấn đề này. Đây cũng là một trong những vấn đề mấu chốt cần giải quyết dứt điểm.
“Tôi cho rằng nên quy định mức chiết khấu tối thiểu và định mức chiết khấu cho mỗi khâu. Trong đó, đối với cửa hàng bán lẻ nên quy định chiết khấu không nhỏ hơn 7% giá bán lẻ tại thời điểm công bố để đảm bảo họ không phải đóng cửa vì thua lỗ. Bởi đây là nơi trực tiếp đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng” - ông Giang Chấn Tây góp ý.
Cùng với các góp ý trên, các DN xăng dầu cũng kiến nghị khi sửa đổi Nghị định 95/2021 cần thay đổi công thức tính giá cơ sở xăng dầu. Bởi một trong những lý do khiến xăng dầu thiếu cục bộ thời gian qua là do các chi phí phát sinh hiện nay chưa được cập nhật đầy đủ, kịp thời trong công thức tính giá cơ sở.•
Đề nghị sửa Nghị định 95 theo hướng thị trường
Khi Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu vừa có hiệu lực đã có nhiều ý kiến cho rằng một số nội dung tại nghị định này có vấn đề, nhất là những bất cập về quyền tự do cạnh tranh, tự do kinh doanh của DN.
Ví dụ quy định một mức giá cứng nhắc và điều chỉnh thiếu linh hoạt, không tính đúng, đủ mọi chi phí phát sinh khiến cả hệ thống cung ứng đều bị động và dễ gánh chịu rủi ro thua lỗ, nhất là trong bối cảnh hiện nay giá dầu thế giới biến động liên tục.
Vì vậy, tôi đồng ý với quan điểm rằng việc sửa đổi Nghị định 95/2021 nên được thực hiện theo hướng thay đổi toàn diện, theo hướng thị trường chứ không chỉ dừng ở việc đưa mặt hàng này về một đầu mối quản lý. Bởi việc một bộ, liên bộ hay giao về cho ai quản lý giá cũng không thể tính toán thay DN, thay thị trường được.
Điều quan trọng nữa là Nhà nước nên tạo ra được hành lang pháp lý an toàn, chống các rủi ro, trục lợi, bảo đảm cạnh tranh công bằng và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Điều này cũng có nghĩa là chúng ta nên từ bỏ tư duy mệnh lệnh hành chính, cơ chế xin - cho trong quản lý xăng dầu. Đây sẽ là yếu tố then chốt để thị trường xăng dầu Việt Nam phát triển lành mạnh.
TS NGUYỄN QUỐC VIỆT, Phó Viện trưởng
Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách