Sáng 29-6, Chính phủ họp phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6-2023 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Tại phiên họp, Chính phủ xem xét, cho ý kiến về 4 nội dung: Đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo; dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hóa chất; về việc sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến đầu tư, ngân sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư công.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp. Ảnh: VGP |
Chính phủ nghe cơ quan chủ trì báo cáo tóm tắt nội dung cơ bản của các đề nghị xây dựng pháp luật, dự án luật; ý kiến của cơ quan thẩm định, thẩm tra; quá trình tiếp thu ý kiến hoàn thiện các dự thảo luật; đồng thời thảo luận về trình tự, thủ tục, sự cần thiết ban hành luật, nguyên tắc, yêu cầu xây dựng luật, đặc biệt thảo luận kỹ các nội dung của các luật.
Trong đó, đối với việc sửa đổi, bổ sung sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến đầu tư, ngân sách, Chính phủ thảo luận các quy định liên quan đến đầu tư, ngân sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư công; tạo thuận lợi trong tổ chức thực hiện các dự án đầu tư công, nhất là các dự án đầu tư về hạ tầng, giao thông...
Cho ý kiến, Thủ tướng cho biết, việc đề nghị xây dựng luật hoặc nghị quyết của Quốc hội để sửa đổi, bổ sung nhiều luật liên quan đầu tư, ngân sách là yêu cầu thực tiễn, được nhiều bộ, ngành, địa phương đề xuất, kiến nghị.
Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì, xây dựng phương án phù hợp trên cơ sở rà soát các chính sách đang thực hiện, thí điểm có hiệu quả để áp dụng, những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn đã được nhiều ý kiến đề nghị cần tháo gỡ, nhất là liên quan đến xây dựng các dự án đường bộ; tách khâu giải phóng mặt bằng khỏi dự án đầu tư, xây dựng; vướng mắc do quy định đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các tuyến cao tốc, quốc lộ phải dùng nguồn ngân sách Trung ương, không dùng nguồn ngân sách địa phương…
Việc xây dựng luật hoặc nghị quyết phải nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động, nêu rõ căn cứ, cơ sở pháp lý, thực tiễn, khoa học để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi trong tổ chức thực hiện các dự án đầu tư công...
Với đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, Thủ tướng lưu ý cần cơ chế tập trung, tổng thể với đội ngũ nhà giáo, các chính sách vừa bảo đảm đặc thù, vừa phù hợp, hài hòa với tổng thể chung; vừa bảo đảm tính hiện đại, hội nhập, vừa phù hợp với văn hóa-lịch sử của đất nước, truyền thống "tôn sư trọng đạo" của dân tộc.
Với dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), Thủ tướng lưu ý yêu cầu ứng dụng khoa học công nghệ, cải cách thủ tục hành chính trong quản lý lưu trữ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa các tài liệu, tư liệu lưu trữ phù hợp với chủ trương phát triển Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và công dân số.
Về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hóa chất, Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục tổng kết Luật Hóa chất hiện hành và các quy định có liên quan, bảo tính đồng bộ, thống nhất và đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, ứng dụng khoa học công nghệ, cải cách thủ tục hành chính trong quản lý hóa chất.