Theo Trung tướng Lê Quý Vương (Thứ trưởng Bộ Công an), người đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án (THA) hình sự công an cấp huyện, cơ quan THA hình sự cấp quân khu sẽ được tạm tha tù khi có đủ các điều kiện như sau: Thuộc trường hợp phạm tội lần đầu; đã chấp hành ít nhất bằng một nửa mức án tòa tuyên; đã thực sự ăn năn hối cải, có kết quả cải tạo khá, tốt; đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại. Ngoài ra, trường hợp được tạm tha của họ không làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Tạo cơ hội cho phạm nhân hoàn lương
Ông Vương cho biết người được tạm tha được hưởng các quyền cơ bản của công dân (trừ những quyền mà tòa án hạn chế hoặc tước bỏ trong bản án đã tuyên đối với họ). Tuy nhiên, họ cũng phải thực hiện các nghĩa vụ như tuân thủ các quy định của pháp luật và quy định tại nơi cư trú; chịu sự giám sát, quản lý, giáo dục của chính quyền địa phương nơi cư trú. Họ cũng bị cấm đảm nhiệm chức vụ, tham gia vào các tổ chức chính trị và không được quyền bầu cử, ứng cử đại biểu Quốc hội.
Các phạm nhân đang làm vệ sinh tại trại tạm giam Chí Hòa, TP.HCM. Ảnh: HTD
Cũng theo ông Vương, trong thời gian được tạm tha, nếu người được tạm tha có hành vi vi phạm pháp luật và bị kết án tù (kể cả với hành vi phạm tội trước đó mà nay mới bị phát hiện) thì bị hủy quyết định tạm tha. Khi xét xử tội mới, tòa án sẽ tổng hợp thêm án phạt tù chưa chấp hành còn lại của họ.
Mục đích của chế định này là nhằm thể hiện chính sách nhân đạo của pháp luật đối với phạm nhân, giúp họ hoàn lương, hòa nhập cộng đồng sau khi đã đạt đủ các điều kiện nhất định.
Bên cạnh đó, việc thực hiện cơ chế tạm tha sẽ giảm quá tải cho các cơ sở giam giữ; giảm bớt ngân sách trong đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác quản lý, kinh phí các chế độ ăn, ở, khám, chữa bệnh, sinh hoạt đối với phạm nhân; giảm bớt biên chế cán bộ… Theo ước tính, trung bình chi phí cho một phạm nhân trong một năm là khoảng 36 triệu đồng. Như vậy, nếu có khoảng 20.000 phạm nhân được tạm tha thì sẽ tiết kiệm cho ngân sách nhà nước 720 tỉ đồng/năm và giảm nhu cầu biên chế khoảng 3.000 cán bộ, chiến sĩ ở cơ sở giam giữ.
Cần quy định thật rõ ràng, cụ thể
Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh nhận xét tạm tha có điều kiện trong THA phạt tù là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong việc tạo cơ hội cho phạm nhân nỗ lực cải tạo, sửa chữa sai lầm, sớm được trở về với cộng đồng. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, ban hành chế định này cần phải có các quy định rõ ràng để tránh bị chồng chéo với các trường hợp ân xá, đặc xá, miễn, giảm án tù.
Một số đại biểu khác cho rằng trách nhiệm của chính quyền địa phương sẽ rất nặng nề trong việc giám sát, quản lý, giáo dục người được tạm tha, dễ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp nên cần phải có các quy định thật cụ thể. Ông Nguyễn Văn Thành (Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng) nói: “Phải quy định rõ đến cấp xã, phường về trách nhiệm quản lý phạm nhân được tạm tha khi trở về địa phương, tránh gây áp lực lên chính quyền địa phương, đồng thời phải lường trước các hệ quả có thể xảy ra để có phương án giải quyết”.
Bà Lê Thị Thu Ba (Phó ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương) thì nhấn mạnh đến yếu tố phải đảm bảo tính minh bạch, công khai, công bằng để tránh tiêu cực trong quá trình xét tạm tha. “Ngoài ra, cơ chế quản lý với người được tạm tha trong đề án còn mờ nhạt, cần phải tiếp tục hoàn thiện” - bà Thu Ba nói.
Một số đại biểu khác đề nghị không áp dụng tạm tha tù có điều kiện đối với người bị kết án tù từ 15 năm trở lên, tù chung thân, tử hình hoặc đối với tội hiếp dâm, tội giết người…
Nhiều nước đã áp dụng Tạm tha có điều kiện trong THA phạt tù là một biện pháp đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Việc tạm tha tù có điều kiện không chỉ nhằm giảm số lượng phạm nhân trong nhà tù mà nó còn có ý nghĩa lớn hơn là thể hiện tính hướng thiện, tính nhân đạo của Nhà nước ta. Ông NGUYỄN SƠN, Phó Chánh án TAND Tối cao |