Chiều 9-7, Hội đồng Tiền lương Quốc gia nhóm họp phiên thứ nhất để bàn về tăng lương tối thiểu vùng năm 2019. Cuộc họp do ông Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, chủ trì cùng với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI, đại diện doanh nghiệp), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (đại diện người lao động).
“Cuộc sống người lao động đang hết sức vất vả”
Như những lần trước, Hội đồng Tiền lương Quốc gia họp kín. Sau phiên họp thứ nhất, nhiều bên vẫn chưa thể tìm được điểm chung. Trở ra từ phòng họp, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết chưa thể chốt mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019. Tuy nhiên, tại cuộc họp đơn vị đã chia sẻ với doanh nghiệp nhưng ít nhất lương tối thiểu vùng năm 2019 phải tăng 7,5%-8% so với mức lương năm 2018 (tương đương 190.000-300.000 đồng/tháng).
“Mức chúng tôi đưa ra là hoàn toàn có cơ sở khi sáu tháng đầu năm, GDP của Việt Nam tăng trưởng 7,08%, cao nhất trong bảy năm qua nên mức tăng lương tối thiểu của năm tới không thể thấp hơn năm 2018…” - ông Chính khẳng định.
Ông Chính cho biết Nghị quyết số 27-NQ/TW đã quy định tiền lương phải đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động. Có điều là hiện nay tiền lương mới đáp ứng được 92% mức sống tối thiểu, tức chỉ còn 8%. Như vậy, còn hai năm nữa để thực hiện quy định này.
“Trên thực tế, cuộc sống của người lao động đang hết sức vất vả. Vậy nên phải tăng lương ít nhất bằng năm 2018 chứ không thể không tăng…” - ông Chính nhấn mạnh.
Trái ngược lại, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, cho biết trước khi tham gia phiên họp trên, đơn vị đã có buổi làm việc với hiệp hội các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tập hợp ý kiến, quan điểm để trình bày trong cuộc họp này.
Phiên họp Hội đồng Tiền lương Quốc gia luôn căng thẳng giữa đại diện chủ sử dụng lao động và người lao động. Ảnh: VIẾT LONG
“Đại đa số các hiệp hội doanh nghiệp đều kiến nghị chưa nên điều chỉnh mức lương tối thiểu trong năm nay. Chúng tôi sẽ trao đổi với các thành viên của Hội đồng Tiền lương Quốc gia để có ý kiến cuối cùng” - ông Phòng thông tin.
Theo ông Phòng, nguyên nhân được các doanh nghiệp đưa ra là để tạo điều kiện cho doanh nghiệp bồi dưỡng sức - nâng cao năng lực chi trả, dùng các kinh phí nếu có cho việc đào tạo, nâng cao năng lực tay nghề cho người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu công việc, tăng năng suất lao động, từ đó tiếp tục tăng lương tối thiểu trong thời gian tới.
Ông Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết tinh thần phải tiếp tục điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng đáp ứng mức sống tối thiểu.
“Chắc chắn hai bên sẽ phải đi đến một phương án như năm ngoái. Năm 2017 là phải chọn tăng 13% hay 0%, cuối cùng vẫn tiến đến phương án là 6,7%-6,8%. Năm nay còn tùy thuộc vào thương lượng, Nhà nước không thể can thiệp thô bạo theo kiểu phải tăng chừng này hoặc tăng chừng kia. Bây giờ tỉ giá cũng đang tăng, các doanh nghiệp phải chịu rủi ro” - ông Diệp khẳng định.
Kết thúc phiên thương lượng, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương Quốc gia đưa ra đề xuất mức tăng lương tối thiểu năm 2019 là 5,3%. Thế nhưng phương án này chưa nhận được sự đồng thuận của cả phía đại diện chủ sử dụng lao động và người lao động. Do vậy, phiên họp tiếp theo sẽ diễn ra vào cuối tháng 7 này.
Tăng lương để bảo đảm mức sống tối thiểu
Liên quan đến tăng lương, trả lời Pháp Luật TP.HCM, ông Phạm Minh Huân, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng một yếu tố cần được các bên lưu ý trong mùa đàm phán lương tối thiểu năm 2019 là quy định tăng lương tối thiểu phải đáp ứng mức sống tối thiểu. Đây cũng là vấn đề đã được nghị quyết trung ương nêu ra trước đây: “Tới nay, Nghị quyết số 27-NQ/TW vừa qua tiếp tục khẳng định thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng phù hợp tình hình phát triển kinh tế-xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp để đến năm 2020 mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ” - ông Phạm Minh Huân nói.
Với phân tích trên, ông Phạm Minh Huân nhận định với các chỉ số kinh tế-xã hội như hiện nay, mức tăng có thể ở 5% hoặc 6%: “Đây là mức tăng phần nào giúp tăng thêm thu nhập của người lao động và chủ sử dụng lao động tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt hơn”.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mức sống tối thiểu của khu vực có quan hệ lao động mới đáp ứng được 90%-92%. Như vậy, cần tiếp tục điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng của năm 2019 theo hướng tăng thêm. Điều này nhằm đảm bảo tiêu chí lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu vào năm 2020. Đó là giới hạn cuối cùng theo lộ trình được Chính phủ cam kết.
Cần xác định mức sống tối thiểu trên cơ sở khoa học “Hiện nay mức sống tối thiểu là một khái niệm rất rộng, luôn thay đổi và có nhiều yếu tố nội hàm. Muốn có sự đồng thuận giữa các bên về xác định mức sống tối thiểu, tôi cho rằng cần có một cơ quan độc lập tính toán dựa trên cơ sở khoa học. Từ đó, kết quả công bố sẽ được dùng làm căn cứ cho Hội đồng Tiền lương Quốc gia quyết định thì phù hợp hơn” - ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Khả năng Thủ tướng sẽ quyết định mức tăng Với sự chênh lệch về đề xuất tăng lương, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ nhóm họp ở phiên sau. Theo quy định, sau ba phiên, các bên vẫn không thống nhất được mức tăng sẽ phải bỏ phiếu để đưa ra quyết định. Cuối cùng, Hội đồng Tiền lương sẽ trình kết quả phiên họp để Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. |