Sẽ trở thành quốc gia nhập khẩu nhiều điện
“Việt Nam có một cơ hội đặc biệt để tạo ảnh hưởng tới chính sách phát triển năng lượng các quốc gia láng giềng để giảm thiểu các nguy cơ lên ĐBSCL”.
Đó là đánh giá của ông Brian Eyler (Giám đốc chương trình DNA, chuyên gia nghiên cứu phân tích ĐNA thuộc Trung tâm Stimson) tại buổi tọa đàm “Vai trò tiềm năng của quy hoạch nước và năng lượng ở cấp độ hệ thống trong việc giữ gìn ĐBSCL” vừa diễn ra tại Cần Thơ ngày 2-12.
Ông Brian Eyler dẫn các số liệu từ các nhà quy hoạch dự báo nhu cầu năng lượng của Việt Nam sẽ tăng gấp ba tới năm 2030 nhưng nguồn cung năng lượng trong nước không thể đáp ứng nhu cầu này. Tương lai Việt Nam sẽ trở thành quốc gia nhập khẩu điện chính của khu vực.
Khi đó, Việt Nam có thể lựa chọn một là nhập khẩu than cho các nhà máy điện than trong nước hoặc nhập khẩu điện từ các quốc gia láng giềng.
“Việt Nam có thể tăng đáng kể việc mua bán điện từ Lào và Campuchia để đáp ứng nhu cầu điện trong nước, đồng thời đầu tư trọng tâm vào một danh mục các phương án sản xuất năng lượng và truyền tải khác để có thể giảm thiểu các tác động về môi trường và xã hội theo những kịch bản kinh doanh thông thường” - ông Brian Eyler gợi ý.
Do đầu tư vào năng lượng từ Lào và Campuchia hoàn toàn do đầu tư nước ngoài quyết định, chiến lược này cho Việt Nam một vị thế trong bàn đàm phán để quyết định các quốc gia láng giềng ở thượng nguồn nên xây dựng phương án năng lượng nào.
"Việt Nam có thể đàm phán các thảo thuận với Lào để ưu tiên các dự án điện gió, điện mặt trời, sinh khối và các dự án thủy điện để giảm thiểu các tác động xuống hạ nguồn. Cách tiếp cận này tạo ra cơ hội cho việc đổi mới công nghệ, phát triển kinh doanh và tạo ra việc làm. Nó cũng giúp đóng góp cho sự phát triển ổn định hơn, có sự hợp tác, hiệu quả kinh tế cao hơn cho khu vực Mekong” - ông Brian Eyler đề xuất.
Có đủ mạnh để đàm phán?
Trước đề xuất của đại diện Stimson, ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập, nhận định: “Đây là một ý tưởng nghe có vẻ ngược đời nhưng nó cũng rất sáng tạo, ly kỳ hấp dẫn và xứng đáng được xem xét suy nghĩ”.
Ngược đời ở chỗ Lào xây dựng các đập thủy điện chỉ để bán, chỉ xài trong nước 10%, phần còn lại xuất bán cho Việt Nam và Thái Lan là chính. Nếu chúng ta mua điện của Lào thì sẽ thúc đẩy Lào hình thành nhiều đập thủy điện hơn nữa.
Từ lập luận trên, ông Thiện cho rằng Việt Nam cần phải suy nghĩ thêm và những câu hỏi nên được trả lời thấu đáo. “Liệu chúng ta trở thành người mua đủ lớn, đủ cái quyền để khuynh đảo được tình hình. Hơn nữa, hỗ trợ mạng quốc gia của Lào để hòa lưới điện thì khó phân biệt được điện nào là điện Lào”.
Còn về việc Stimson cho rằng tương lai nhu cầu điện của Việt Nam tăng gấp ba lần, ông Thiện cho rằng đó là dự báo trong quá khứ, chưa được cập nhật lên và tới năm 2017.
Bên cạnh đó, ông Thiện khẳng định Việt Nam vẫn còn cơ hội để giảm sử dụng năng lượng nhiều hơn. Theo đó, Việt Nam cần cải thiện nguồn cung cấp, cải thiện năng lượng tái tạo trong nước nhằm bảo đảm an ninh năng lượng, không phụ thuộc nước ngoài.
Hệ thống truyền tải điện Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh).
Trong khi đó, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, ĐH Cần Thơ, cũng nhận xét việc đại diện Trung tâm Stimson đề xuất Việt Nam mua điện bên Lào vẫn có thể thực hiện với điều kiện Việt Nam phải đủ mạnh trong đàm phán.
Bởi người cầm tiền đi mua hàng thì bao giờ cũng có ưu thế hơn người bán. Nhất là khi Lào đang lo điện sản xuất ra bán cho ai vì Thái Lan đang có chương trình phát triển năng lượng tái tạo.
“Nếu Lào có sản xuất ra điện tái tạo hay dạng nào có thể kiểm soát được thì chúng ta mua. Nhưng chúng ta phải đảm bảo được nguồn năng lượng của mình, đồng thời có thể giảm bớt tác động của thủy điện có thể gây ra cho ĐBSCL…” - PGS-TS Lê Anh Tuấn nói.
Thêm nhiều thủy điện sẽ mọc lên ở thượng nguồn Việt Nam vừa là quốc gia hạ nguồn phải gánh chịu các tác động tiêu cực của việc phát triển thủy điện ồ ạt, cần phải có một cách tiếp cận chiến lược để hợp tác với Lào và Campuchia trong quản lý nước-năng lượng nhằm giảm thiểu số lượng đập sẽ được xây dựng trong tương lai. Lào hiện đang xây dựng hai đập thủy điện lớn trên dòng chính sông Mekong và đang tổ chức tham vấn để xây dựng con đập thứ ba. Cùng lúc đó, Lào và Campuchia cũng đang lên kế hoạch xây dựng thêm 130 đập lớn (>50 MW) trên các dòng nhánh của sông Mekong tới năm 2030. |