Đề xuất tính lương hưu khu vực công và tư như nhau

(PLO)- Mức lương khu vực nhà nước dự kiến tăng 30%, nếu tính lương hưu theo quy định hiện hành sẽ tăng áp lực lên hệ thống quỹ và ngân sách nhà nước.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dự kiến từ ngày 1-7, cải cách tiền lương diễn ra, Nhà nước sẽ bãi bỏ lương cơ sở, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, hệ số lương hiện hành và xây dựng bảng lương mới cho từng vị trí việc làm, chức danh và thu hẹp đối tượng hưởng phụ cấp thâm niên nghề.

lương hưu
Dự kiến từ ngày 1-7, tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ tăng khoảng 30%. Ảnh minh họa: NGUYỆT NHI

Lương cơ bản chiếm 70% mức lương

Trả lời báo chí mới đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết theo phương án cải cách tiền lương, từ ngày 1-7, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) sẽ tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp). Từ năm 2025 sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng khoảng 7%/năm.

Như vậy, tính tổng từ năm 2021 (thời điểm dự kiến cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW) đến ngày 1-7, lương của CBCCVC tăng bình quân chung khá nhiều, khoảng 60%. Đây là mức tăng đáng kể so với con số tăng bình quân mỗi năm 7% khi chưa cải cách tiền lương.

Theo Bộ Nội vụ, dự kiến tổng nguồn ngân sách nhà nước dành để thực hiện cải cách tiền lương khoảng 132.000 tỉ đồng.

Theo Bộ Nội vụ, dự kiến tổng nguồn ngân sách nhà nước dành để thực hiện cải cách tiền lương khoảng 132.000 tỉ đồng. Số tiền này được lấy từ năm nguồn: Tăng thu và nguồn dư của địa phương đã bố trí cho cải cách tiền lương các năm trước chuyển sang; ngân sách Trung ương; một phần nguồn thu sự nghiệp; 10% tiết kiệm tăng thêm chi thường xuyên và nguồn do thực hiện tinh giản biên chế.

Về cơ cấu tiền lương mới, Bộ Nội vụ cho biết có ba khoản là: Lương cơ bản (khoảng 70% tổng quỹ lương), các khoản phụ cấp (khoảng 30% tổng quỹ lương), bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương cơ bản của năm, không bao gồm phụ cấp).

Theo Bộ Nội vụ, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH đối với CBCCVC và lực lượng vũ trang khi thực hiện chế độ tiền lương mới sẽ gồm: Mức tiền lương cơ bản, phụ cấp thâm niên nghề và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Lương hưu sẽ cao bất thường nếu không điều chỉnh

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH chủ trì nghiên cứu, làm rõ tác động của cải cách chính sách tiền lương với lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng của các đối tượng khác nhau. Đặc biệt là lực lượng vũ trang, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở; cơ cấu tiền lương làm căn cứ để đóng BHXH.

Song song đó, Phó Thủ tướng đề xuất chỉnh lý các nội dung có liên quan trong dự thảo Luật BHXH đang sửa đổi để phù hợp với thay đổi của lương cơ sở.

Theo BHXH Việt Nam, hiện có trên 2,7 triệu CBCCVC đang đóng BHXH bắt buộc với mức tiền lương gần 7 triệu đồng/tháng. Nếu Chính phủ điều chỉnh tăng lương như dự kiến, số tiền thu tăng thêm một năm là 31.728 tỉ đồng. Trong đó, người sử dụng lao động đóng BHXH tăng thêm là 21.575 tỉ đồng (tăng gần 20%); ngân sách nhà nước đóng tăng thêm 17.260 tỉ đồng (khoảng 80%).

Như vậy, người có thời gian đóng BHXH theo mức tiền lương sau cải cách càng dài, bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần theo quy định cũng tăng tương ứng, thậm chí cao bất thường so với người nghỉ hưu trước ngày 1-7-2024. Lý do là khu vực nhà nước tính lương hưu vào những năm cuối trước khi nghỉ hưu.

“Điều này dẫn đến chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm thực hiện chính sách tiền lương mới. Cạnh đó, phương án điều chỉnh lương hưu hằng năm để đảm bảo lương hưu của người lao động nghỉ hưu trước “đuổi kịp” người nghỉ hưu sau ngày 1-7-2024 sẽ ảnh hưởng đến khả năng cân đối Quỹ hưu trí, tử tuất…” - BHXH Việt Nam nêu.

Mới đây, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã đề nghị Chính phủ cần làm rõ việc điều chỉnh có bảo đảm tương quan giữa các đối tượng trước và sau khi cải cách tiền lương theo nguyên tắc: Người có cùng chức vụ, chức danh, vị trí việc làm, ngạch, bậc thì mức hưởng lương hưu trước và sau ngày 1-7-2024 có thấp hơn không? Nếu thấp hơn thì mức độ và tỉ lệ thế nào, cần có dự báo cụ thể?

Để tránh phát sinh dư luận xã hội khi so sánh mức lương hưu của người nghỉ trước và sau cải cách tiền lương, giữa người nghỉ hưu thuộc khu vực nhà nước và tư nhân, đồng thời cân đối khả năng thu - chi Quỹ hưu trí, tử tuất lâu dài, BHXH Việt Nam cho rằng cần sửa luật.

Cụ thể, sửa Điều 62 Luật BHXH quy định về cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp BHXH một lần theo hướng: Từ ngày 1-7-2024, tiền lương để tính lương hưu của khu vực nhà nước không còn tính theo 5-7 năm cuối trước khi nghỉ hưu mà sẽ tính toàn bộ quá trình đóng như khu vực tư nhân hiện nay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm