Từ đó để có cơ sở chọn dừa làm cây xanh trồng ở các tuyến đường mới và các đường ven kênh rạch ở TP.HCM”. Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam, nói với Pháp Luật TP.HCM hôm 25-9.
Bà Thanh - người được gọi là phù thủy gáo dừa cho biết tình trạng cây xanh tét nhánh, gãy cành thường xuyên xảy ra trong mùa mưa bão, gây tai nạn thương tâm cho không ít người dân TP.HCM. Ngoài ra, ngập úng cục bộ còn ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của người dân nên việc chọn loài cây phù hợp đảm bảo không tét nhánh, gãy cành… và tạo cảnh quan mang tính văn hóa đặc trưng vùng miền là cần thiết. “Cây dừa có khả năng chống chọi với mưa bão cao và phù hợp với hầu hết các loại đất. Cây dừa có bộ rễ lớn đan xen và ăn sâu nên phù hợp ở các đường ven kênh rạch để chống sạt lở. Ngoài ra, cây dừa còn thân thiện với môi trường, tạo được cảnh quan đẹp mang nét đặc trưng của vùng đất phương Nam. Dọc bờ biển Nha Trang, bãi trước của Vũng Tàu dừa được trồng từ nhiều năm…” - bà Thanh nói.
Theo bà Thanh, nếu chọn dừa là cây xanh chủ lực thì chi phí quản lý, bảo dưỡng cây xanh ở TP.HCM sẽ giảm nhiều. Cạnh đó, đơn vị bảo dưỡng chăm sóc sẽ có được nguồn thu từ việc thu hoạch trái, lá dừa. Bà Thanh tính toán khoảng 1 km đường giao thông trồng được khoảng 2.000 cây dừa và nếu lấy trái bán sẽ thu về hơn 500 triệu đồng (trừ công chăm sóc). Đó là chưa kể các sản phẩm phụ từ dừa như lá dừa, cọng dừa, xơ dừa, mụn dừa, gáo dừa có khả năng chế tác thành những sản phẩm gia dụng và hàng lưu niệm phục vụ du lịch, xuất khẩu.
Liên quan đến đề xuất này, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đã yêu cầu Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Công ty Công viên Cây xanh TP và các nhà khoa học chuyên ngành để nghiên cứu, đề xuất cho TP.HCM quyết định.
Được biết dừa là một trong 28 cây xanh mà UBND TP.HCM cấm trồng trên đường vì trái to, khi rụng sẽ gây nguy hiểm.
Trao đổi với PV, kỹ sư Trịnh Kiểm, Chánh văn phòng Hiệp hội Cây xanh Việt Nam, cho rằng về kỹ thuật có thể làm dừa không ra trái nhằm đảm bảo an toàn khi trồng dừa trên đường. Tuy vậy, nếu chọn dừa làm cây xanh đô thị thì có một số điểm không ổn, như cây dừa không tạo được nhiều bóng mát. “Một trong những mục tiêu của việc trồng cây xanh trong các đô thị là tạo bóng mát, mảng xanh nhưng cây dừa lại không đảm bảo được. Ngoài ra, dừa có bộ rễ lớn, dễ phá hoại vỉa hè và các công trình hạ tầng ngầm nên không phù hợp làm cây xanh đô thị” - kỹ sư Kiểm nói.
Cũng theo ông Kiểm, nếu trồng dừa ở một khu vực giới hạn nào đó để phục vụ cho du lịch thì tốt nhưng việc đề xuất trồng dừa để “đạt hiệu quả kinh tế” cũng cần cân nhắc. Vì khi đó phải trồng với mật độ dày, trên diện tích lớn.
QUỲNH NHƯ - TR.THANH