Đêm trắng nơi thôn Proh

Thôn làng người Chu Ru

… Trời mưa lất phất trong buổi chiều chúng tôi phóng xe máy đổ đèo Prenn đi Đơn Dương (Lâm Đồng). Rồi mưa đổ xối xả, chúng tôi buộc phải tấp vào quán ven đường, cứ nôn nao khi trời sụp tối rất nhanh. Không nôn nao sao được vì tâm tưởng chúng tôi lúc ấy cứ miên man âm hưởng cồng chiêng mà trước đây không chỉ một lần chúng tôi được biết đến ở nơi này nơi kia, trên miền đất cao nguyên đại ngàn.

Đêm bất thường

Về giá trị văn hóa xã hội, cồng chiêng có sức hút con người thật mãnh liệt thông qua các lễ hội mừng lúa mới, lễ gieo hạt, lễ rửa chân trâu. Bên cạnh đó, nó còn có giá trị văn hóa cao về mặt tín ngưỡng với quan niệm “vạn vật hữu linh”.

Mặt trời đã tắt nắng, trao chúng tôi lại cho màn đêm theo bánh xe lăn trên đường mà mỗi lúc mỗi buông dày đặc dần. Chỉ có mỗi ánh sáng hắt ra từ đèn xe, với đèn pin cầm trên tay rọi phụ thêm. Ngoằn ngoèo, thăm thẳm con đường dẫn đến thôn Proh Ngoh, xã Proh, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Thôn làng đã ngủ yên trong bóng tối nhưng bất ngờ có một vùng sáng hẳn, từ một căn nhà mái tôn vách ván! Hóa ra có một êkíp quay phim đánh đèn sáng choang, yêu cầu mọi người thực hiện răm rắp để thu hình làm hồ sơ trong một dự án nghiên cứu cồng chiêng. Ông Jơrơlơng Ngôn, một người rắn rỏi mà chúng tôi lân la làm quen, cho biết ông được trả vỏn vẹn 500.000 đồng để tìm người đánh chiêng, trống, đội múa, mời thầy mo, sắm sửa lễ vật cúng tế cho lễ thức trong một dòng tộc.

“Một số người không chịu tham gia, vì họ sợ nếu làm theo yêu cầu của nhóm nghiên cứu thì có đúng ý thần linh hay không, sợ thần linh phạt” - ông Ngôn nói. Sự chủ quan và cưỡng bách, như vậy, mâu thuẫn với tính chất khách quan của tập tục lễ hội theo mùa.

Một người trong nhóm nghiên cứu tỏ ra khó chịu, hất hàm hỏi tại sao chúng tôi lại mò đến tận nơi vắng vẻ thế này, vào lúc nửa đêm. Đến lượt chúng tôi lấy làm thắc mắc và hoài nghi có điều khuất tất gì đó, vì ban đầu cứ ngỡ nhóm nghiên cứu sẽ vui mừng khi công việc “sưu tầm” lễ thức của họ trong âm thầm thế này mà vẫn được người khác biết đến.

Đêm vội vã

Nơi đây, vào sáng hôm sau, sẽ diễn ra lễ “ăn trâu” (sar pur) mừng lúa mới của người Chu Ru - một lễ thức mang đậm nét văn hóa cồng chiêng. Còn trong đêm chúng tôi có mặt, cuộc lễ được bắt đầu với nghi thức cúng tế của thầy mo, nhảy múa giữa đêm cho đến sáng hôm sau thì mới chính thức ăn trâu. Chúng tôi bắt chuyện với ông Ya Hang, làm thầy mo đã trên 30 năm. Sợi dây mà ông Ya Hang nắm trong tay được nối vào vách nhà, có treo lục lạc, được biết là biểu tượng con ngựa đưa thầy mo lên gặp thần linh. Đặc biệt, gắn với cúng tế thì không thể nào thiếu âm vang cồng chiêng diễn tiếp theo sau đó. Ba chiếc chiêng gá trên giàn (“chiêng ba”, “sạr atâu”) cất tiếng dưới cây dùi bọc vải do một cô gái ngồi gõ. “Sạr atâu” gồm chiêng cha, chiêng mẹ, chiêng con; tuy nhiên một số người trong xã Proh thì thào cho chúng tôi biết giàn chiêng đang gõ thiếu mất “chiêng cha”! Nhóm người từ một viện nghiên cứu ngoài Bắc bảo cứ gõ thì họ gõ cho đúng… “kịch bản phục dựng”.

 

Sinh hoạt của người Chu Ru

Tiếng chiêng Chu Ru của nam Tây Nguyên không hừng hực, sôi động như vùng bắc Tây Nguyên mà nhặt khoan, trầm mặc, êm êm, buồn buồn. Đội múa 12 người (gồm tám nữ, bốn nam) nhịp nhàng bước nối nhau theo vòng tròn. Bên trong căn nhà quá hẹp vừa dành cho thầy mo cử hành nghi thức ở một góc, vừa dành “sân khấu” cho nhóm múa. Tính chất nghiêm trang của nghi thức bị phá vỡ, mọi người chen chúc nhau không ra thể thống gì cả!

Phía ngoài sân, trời tối om om, chỉ thỉnh thoảng nhờ vào đèn chiếu của camera lóe lên thì mới có thể thấy những hoa văn vui mắt trên cây nêu. Trong khi đó, theo đúng tập tục của người Chu Ru thì sau phần nghi thức trong nhà sẽ chuyển ra ngoài sân để múa với âm vang cồng chiêng bên ánh lửa bập bùng. Lửa đã không hề được nhóm lên…

Theo tập quán, để có một lễ ăn trâu (sar pur), cả thôn làng phải chuẩn bị hàng tháng trời, trong đó có việc dựng cây nêu. Những người có trách nhiệm của cộng đồng phải vào rừng tìm chọn cây gỗ rừng quý để làm “nêu”, phải cử hành nhiều nghi thức trước khi “cây nêu” trở thành vật trung gian để linh hồn các Yàng về trú ngụ và chứng kiến lễ hội của cộng đồng. Tuy nhiên, ở lễ “ăn trâu” phục dựng vội vã tại làng Proh, người ta chặt đại một cây thông non để làm nêu, không nghi thức gì cả.

Có vài người dân góp ý với nhóm nghiên cứu nhưng vô ích. Chúng tôi lờ mờ nhận ra vì sao nhóm nghiên cứu khó chịu trước sự có mặt của chúng tôi.

Đêm thức trắng

Chiêng được xem là “vật thiêng”, ăn sâu vào tâm thức nên cách sử dụng giàn cồng chiêng được quy định chặt chẽ. Không phải bất cứ lúc nào cũng có thể mang chiêng ra đánh và không phải cuộc cúng thần nào cũng đánh cồng chiêng. Chúng tôi được biết trong những lễ hội thuộc tín ngưỡng nông nghiệp, khi diễn tấu người đánh chiêng bắt buộc phải quay mặt về hướng đông - hướng mặt trời mọc. Khi sử dụng xong, cồng chiêng được mang về nhà, khi treo lên vách cũng phải tuân thủ theo một trật tự nhất định.

Đối với người Chu Ru, trước khi chính thức làm lễ “ăn trâu”, một trong những nghi thức bắt buộc phải tiến hành đó là làm lễ cúng chiêng. Lễ cúng chiêng được xem như một nghi thức xin phép thần thánh cho cộng đồng được đánh chiêng vào lễ sar pur, mừng lúa mới vào rạng sáng hôm sau. Nhưng nghi thức này đã hoàn toàn không có trong đêm “phục dựng”.

Đêm Proh thức trắng. Người trong cuộc thức trắng để “biểu diễn”, để “làm hồ sơ nghiên cứu” (!). Chúng tôi thức trắng vì tận mắt chứng kiến những tiểu xảo trong cái gọi là nghiên cứu khoa học mà lòng nhói đau.

Tôn trọng sự thật là yêu cầu hàng đầu trong nghiên cứu, hơn nữa còn là một ứng xử có văn hóa. Người Chu Ru mộc mạc, họ còn phải lo cho cuộc sống hằng ngày và ắt hẳn cũng không màng đến nhóm người từ một viện nghiên cứu đến tận thôn làng, chợt đến rồi chợt đi. Chúng tôi không khỏi ngán ngẩm và khinh bỉ những kẻ mạo danh nghiên cứu để thực hiện những tiểu xảo, đồng thời lợi dụng tâm hồn mộc mạc của người dân tộc để ép họ phải làm theo.

Lễ hội người Chu Ru diễn ra vào tháng 10, trong khi “kịch bản phục dựng” làm trước vài tháng và làm vội vàng trong đêm vắng. Tại sao không đợi đến thời điểm thực tế của lễ hội, lúc ấy sẽ được nhìn thấy người Chu Ru sống hồn nhiên trong lễ hội ra sao, thay vì “biểu diễn” trước ống kính camera? Và không chỉ có nghe giàn chiêng ba (sạr atâu) mà còn có thể nghe thêm giàn chiêng sáu (sạr rnăm), chiêng hai (sạr yâu) để hình dung trọn vẹn và chân thực bản sắc văn hóa cồng chiêng.

Sau này, chúng tôi có được nghe là “công trình nghiên cứu” bị phản biện rát mặt. Trong cái “rủi” của nhóm phục dựng lễ thức, mừng thay, lại là cái “may” đối với sự thật văn hóa.

NGUYỄN HÒA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới