Theo Bộ LĐ-TB&XH, hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam đang phát triển ngày càng đầy đủ, bao phủ các nhóm đối tượng. Tuy nhiên, phương pháp tiếp cận thiết kế chính sách trợ giúp xã hội chậm đổi mới, chưa theo kịp tình hình thực tiễn thay đổi và xu hướng phát triển trợ giúp xã hội của thế giới trong quá trình hội nhập. Đồng thời, trợ giúp xã hội chưa toàn diện, chưa bảo đảm mục tiêu dài hạn...
Bộ LĐ-TB&XH cho rằng để khắc phục những hạn chế trên, giai đoạn 2016-2030 cần tập trung vào chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên, khẩn cấp và dịch vụ trợ giúp xã hội. Trong đó, giai đoạn 2016-2020 có 4% dân số được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và có ít nhất 50% người cao tuổi có người phụng dưỡng, đến năm 2030 đảm bảo 100% người dân có nhu cầu hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và 100% quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc các tỉnh trên toàn quốc có trung tâm công tác xã hội.
Bộ LĐ-TB&XH cũng xác định đối tượng được hưởng bảo trợ xã hội trong thời gian trên gồm người dân gặp rủi ro do thiên tai, kinh tế, xã hội và rủi ro tự nhiên khác. Ưu tiên nhóm đối tượng là người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em dưới sáu tuổi và người khuyết tật.