Đến biên giới với Mexico, ông Trump nói gì?

Ngày 10-1 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump đến thị trấn Mission, bang Texas, khu vực giáp biên giới với Mexico, theo Reuters. Đi cùng ông Trump còn có Bộ trưởng An ninh Nội địa Kirstjen Nielsen.

Tại biên giới với Mexico, ông Trump ra sức thuyết phục tính cần thiết của việc xây tường rằng cách nhắc đến các câu chuyện của những người dân Mỹ bị người nhập cư trái phép tấn công. Ông Trump còn trưng ra các kiện hàng heroin, cần sa, súng, tiền… do các nhân viên biên phòng tịch thu từ người nhập cư trái phép.

Ông Trump không loại trừ quyền lực khẩn cấp

Tại biên giới ông Trump nói Mexico sẽ “gián tiếp chi” cho bức tường này thông qua thỏa thuận thương mại mới sửa đổi với Mỹ. Phát ngôn này có lẽ nhằm đáp lại việc nhiều nghị sĩ Dân chủ chế nhạo việc ông Trump ban đầu nói Mexico sẽ chịu tiền xây tường, sao giờ lại đòi Quốc hội Mỹ phải chi tiền.

Đứng giữa các nhân viên biên phòng đang phải làm việc không lương vì chính phủ vẫn đang đóng cửa một phần, ông Trump lặp lại đe dọa sẽ ban hành tình trạng khẩn cấp quốc gia, viện tới quyền lực khẩn cấp để qua mặt Quốc hội xây tường ngăn biên giới với Mexico.

“Chúng ta có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Chúng ta không nên đi tới bước phải làm điều đó” – ông Trump nói với báo chí tại biên giới với Mexico.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa, đội mũ) đến vùng biên giới thị trấn Mission, bang Texas (Mỹ) – Mexico ngày 10-1. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa, đội mũ) đến vùng biên giới thị trấn Mission, bang Texas (Mỹ) – Mexico ngày 10-1. Ảnh: REUTERS

Trước khi lên đường đến biên giới với Mexico, ông Trump nói các luật sư của ông đã tư vấn rằng ông có quyền viện tới quyền lực khẩn cấp để xây tường biên giới.

“Tôi chắc chắn có quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Tôi chưa chuẩn bị làm điều này, nhưng nếu phải làm thì tôi sẽ làm” – Reuters dẫn lời ông Trump.

Washington Post dẫn hai nguồn tin đề nghị không nêu tên nói rằng Nhà Trắng đang chuẩn bị các bước để tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, và nguồn tiền chi cho việc này có thể là các quỹ từ cơ quan Công binh Lục quân Mỹ thuộc Bộ Quốc phòng.

NBC News cho biết ông Trump đã được báo cáo về kế hoạch liên quan nguồn quỹ từ cơ quan Công binh Lục quân Mỹ khi ông đang trên máy bay đến biên giới với Mexico. Tuy nhiên Nhà Trắng không xác nhận, và Bộ Quốc phòng cũng không bình luận về thông tin trên Washington Post.

Nói với báo chí, nghị sĩ Dân chủ Joe Manchin vốn có quan hệ tốt với ông Trump cho rằng tình trạng khẩn cấp quốc gia mà ông Trump tuyên bố “là điều sai lầm, nhưng tôi nghĩ đây là cách duy nhất ông ta chọn” để thoát khỏi thế bế tắc này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) chào trực thăng của lực lượng tuần tra biên giới khi ông đến vùng biên giới thị trấn Mission, bang Texas (Mỹ) – Mexico ngày 10-1. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) chào trực thăng của lực lượng tuần tra biên giới khi ông đến vùng biên giới thị trấn Mission, bang Texas (Mỹ) – Mexico ngày 10-1. Ảnh: REUTERS

Theo Reuters, nếu ông Trump thực sự tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia thì sẽ ngay lập tức xuất hiện một thách thức pháp lý quanh chuyện quyền lực hiến pháp, một thách thức mà ông Trump nói rằng ông sẽ thắng.

Hiến pháp Mỹ không cấm tổng thống tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và đơn phương hành động, tuy nhiên nguồn tiền chi cho hành động này phải được Quốc hội cấp phép. Nếu cố tình vượt mặt Quốc hội về chuyện tiền bạc, ông Trump có nguy cơ sẽ bị Quốc hội luận tội.

Chính phủ Mỹ trước lần đóng cửa dài nhất lịch sử

Ông Trump yêu cầu Quốc hội phải duyệt chi 5,7 tỉ USD xây tường ngăn biên giới với Mexico, nhưng đảng Dân chủ - đang kiểm soát Hạ viện – nhất quyết không đồng ý. Phản ứng lại, ông Trump đã không ký duyệt luật ngân sách để chính phủ hoạt động. Hàng ngàn công chức liên bang phải làm việc không hưởng lương  khi ¼ chính phủ liên bang Mỹ phải chịu đóng cửa.

Áp lực lên hai phía có thể sẽ còn tăng vào cuối tuần này khi 800.000 nhân viên liên bang không được nhận lương, mà vẫn phải làm việc. Khoảng một nửa trong số các vị trí này rất quan trọng với an ninh quốc gia, như bảo vệ nhà tù, giám sát an ninh sân bay. Tại Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) – nơi hầu hết nhân viên vẫn phải làm việc, lo lắng ngày càng tăng khi các quỹ dành cho công tác điều tra đang khô dần.

Một ngày trước khi lên đường đến biên giới với Mexico, ông Trump đã có buổi tranh luận dữ dội với các lãnh đạo Dân chủ, thậm chí gọi họ còn khó thương lượng hơn cả Trung Quốc – nước đang trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.

“Tôi thấy Trung Quốc, thật lòng mà nói, nhìn từ nhiều phía còn đáng tôn trọng hơn ông Chuck và bà Nancy. Tôi thật sự cảm thấy vậy” – ông Trump nói, ý muốn nói đến Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ Chuck Schumer.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) đến vùng biên giới thị trấn Mission, bang Texas (Mỹ) – Mexico ngày 10-1, ra sức nói về tính cần thiết phải xây tường ngăn biên giới. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) đến vùng biên giới thị trấn Mission, bang Texas (Mỹ) – Mexico ngày 10-1, ra sức nói về tính cần thiết phải xây tường ngăn biên giới. Ảnh: REUTERS

Trong hai ngày 9 và 10-1, Hạ viện đã thông qua nhiều dự luật chi tiền cho các Bộ Tài chính, Giao thông, Nông nghiệp và một số cơ quan khác. Tuy nhiên Nhà Trắng cho biết ông Trump sẽ phủ quyết các dự luật này một khi nó được đưa đến bàn ông.

Vì chuyện xây tường biên giới và đóng cửa chính phủ mà ông Trump đã hủy kế hoạch sang TP Davos (Thụy Sĩ) để tham gia Diễn đàn Kinh tế Thế giới dự kiến bắt đầu ngày 22-1 – một dấu hiệu cho thấy ông Trump sẵn sàng kéo dài tình trạng đóng cửa chính phủ, theo Reuters.

Tính tới nay chính phủ Mỹ đã sang ngày đóng cửa thứ 21. Nếu tình trạng này còn kéo dài xuyên tuần này thì đây sẽ là lần đóng cửa chính phủ dài nhất trong lịch sử Mỹ.

Ông Trump gặp rủi ro nếu xây tường Mexico
Ông Trump gặp rủi ro nếu xây tường Mexico
(PL)- Theo hiến pháp, Tổng thống Mỹ Donald Trump có quyền ban hành tình trạng khẩn cấp quốc gia nhưng việc này không giúp ông đạt được mục tiêu xây tường biên giới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm