Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) đang được vay vốn bằng VND với mức 7%-8%/năm. Cũng từ đầu năm đến nay, tín dụng ngoại tệ tăng trưởng rất mạnh, khoảng 7%. Điều đó cho thấy nhiều DN đã tận dụng được dòng vốn rẻ trong bối cảnh hiện nay.
Các ngân hàng tích cực đẩy mạnh vốn rẻ
Cụ thể, từ đầu năm đến nay Sacombank đã triển khai khá nhiều chương trình nhằm hỗ trợ DN duy trì, phát triển hoạt động kinh doanh và mở rộng quy mô sản xuất như “Cùng DN vươn ra biển lớn”, “Tăng giao dịch - thêm ưu đãi”… Tính đến cuối tháng 6-2014, Sacombank đã triển khai 13 gói cho vay ưu đãi trị giá 23.750 tỉ đồng và 120 triệu USD nhằm góp phần hỗ trợ cho các khách hàng DN và cá nhân trên cả nước tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn để ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh và tạo tiền đề tiếp tục phát triển trong những năm kế tiếp. Trong đó, tại chương trình kết nối ngân hàng - DN, Sacombank đã dành 1.599,1 tỉ đồng và 2 triệu USD cho vay ưu đãi DN tại 19 quận, huyện và các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TP.HCM, Khánh Hòa và Đắk Lắk. Tại chương trình này, mức lãi suất thấp nhất là 7%/năm dành cho DN.
Mới đây HDBank cũng đã dành 1.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi cho các DN vay vốn tham gia chương trình bình ổn thị trường năm 2014 tết Ất Mùi 2015 với lãi suất chỉ 6%/năm và 800 tỉ đồng cho các DN cung ứng hàng hóa dịch vụ cho đơn vị tham gia bình ổn thị trường với lãi suất 8%/năm.
Không chỉ các DN ở lĩnh vực ưu tiên mới có lãi suất siêu rẻ, hiện nhiều ngân hàng đang cho các DN lĩnh vực bất động sản, cá nhân vay với lãi suất rẻ. Cụ thể, từ tháng 5 ACB cũng đã triển khai chương trình “Vay ưu đãi dành cho khách hàng thân thiết” với lãi suất đặc biệt chỉ từ 9,5%/năm dành cho khách hàng cá nhân đã hoặc đang vay tại ACB và là hội viên Blue Diamond. Tương tự như vậy mới đây, Ngân hàng Xây dựng đã chính thức triển khai gói tín dụng 50.000 tỉ đồng dành cho thị trường bất động sản với lãi suất năm đầu tiên được áp dụng dưới 9%, thời gian vay kéo dài 15-20 năm.
Tại VIB hiện đang ban hành chính sách “Lãi suất cho vay - chốt ngay từ đầu” với mức lãi suất ưu đãi được tính bằng lãi suất tiết kiệm VND kỳ hạn 13 tháng cộng thêm chỉ 3,5%/năm và áp dụng trong suốt thời hạn của khoản vay. Chính sách này áp dụng cho các khoản vay phục vụ cho mục đích tiêu dùng, mua ô tô, bất động sản hay phục vụ sản xuất, kinh doanh của các cá nhân/hộ gia đình/DN siêu nhỏ. Đặc biệt, các khoản vay hiện hữu có dư nợ và thời gian vay còn lại phù hợp với điều kiện của VIB khi đến kỳ điều chỉnh lãi suất cũng sẽ được áp dụng chính sách này. Với việc ấn định lãi suất cho vay trong suốt quá trình sẽ giúp khách hàng yên tâm về lộ trình trả nợ của mình.
NHNN khuyến khích cho vay vốn rẻ
Bản thân các ngân hàng cũng muốn bơm vốn ra nên đã đưa ra nhiều gói lãi suất ưu đãi. Hơn nữa, chính Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đang khuyến khích cho vay vốn rẻ. Ngày 6-7, NHNN phát đi thông điệp các DN không có nguồn thu bằng ngoại tệ để trả nợ, tuy nhiên vẫn được xem xét cho vay nếu thuộc các lĩnh vực ưu tiên khuyến khích. Điều này cho thấy đây cũng là một giải pháp để hỗ trợ DN, hỗ trợ thị trường. Việc mở rộng quy mô dòng vốn rẻ từ tín dụng ngoại tệ là nhằm mục đích hỗ trợ DN. Bởi lãi suất cho vay ngoại tệ thấp hơn rất nhiều so với vay bằng VND, chỉ vào khoảng 4%-6%/năm trong khi VND trung bình 8%-10%/năm. Hơn nữa, NHNN cũng cam kết ổn định tỉ giá như vậy những rủi ro tỉ giá USD/VND đã được loại bỏ.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, trong sáu tháng đầu năm 2014, khi tín dụng còn đang tăng trưởng thấp, NHNN đã linh hoạt cho phép các ngân hàng mở rộng tín dụng ngoại tệ, qua đó góp phần tăng tín dụng chung của nền kinh tế.
Số liệu cho thấy đến cuối tháng 5 tín dụng ngoại tệ tăng 9,35% so với cuối năm 2013 nhưng tín dụng chung đối với nền kinh tế chỉ tăng 1,51%.
“Điều đó cho thấy nếu không có sự linh hoạt này, tín dụng toàn hệ thống đến cuối tháng 5-2014 khó có thể tăng được 1,51% và việc tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng tín dụng chung, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế” - bà Hồng nói.
YÊN TRANG