Dẹp 'cá mập' thao túng chứng khoán để hút vốn ngoại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dòng vốn ngoại đóng vai trò rất lớn không chỉ cho việc nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam mà còn hỗ trợ tăng trưởng kinh doanh cho các công ty niêm yết trên sàn. Tuy nhiên, để tạo niềm tin cho nhà đầu tư ngoại, cơ quan chức năng của Việt Nam còn nhiều việc phải làm.

Dịch chuyển của vốn ngoại

Thời gian gần đây, nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng bán ròng trên thị trường chứng khoán. Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), từ tháng 8-2021 đến tháng 3-2022, nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu bán nhiều hơn mua. Ví dụ, trong quý I-2022, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 6.986 tỉ đồng.

Tuy nhiên, nhìn sâu hơn vào số liệu của HOSE, có thể thấy mức chênh lệch giữa mua và bán của nhà đầu tư ngoại không quá lớn. Điều này có nghĩa dòng vốn ngoại ra vào thị trường theo diễn biến thị trường, chiến lược kinh doanh của nhà đầu tư, bối cảnh kinh tế toàn cầu chứ không phải họ rút hoàn toàn ra khỏi thị trường Việt Nam.

Các cơ quan chức năng đang triển khai nhiều biện pháp để bảo đảm an toàn cho thị trường chứng khoán, bảo vệ nhà đầu tư. Ảnh: PM

Giám sát chặt chứng khoán

Ngày 30-3 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt, công khai, minh bạch và phát triển bền vững.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh việc rà soát cơ chế, chính sách và hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan đến xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Qua đó để có chế tài xử lý mạnh mẽ, có tác dụng răn đe, bảo đảm tính minh bạch và lành mạnh của thị trường này. 

“Thực tế thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có mức định giá hấp dẫn, chưa kể nền tảng vĩ mô ổn định là cơ sở để hút dòng vốn ngoại trở lại” - chuyên gia tài chính Trần Đình Phương nhận xét.

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI cũng nhận định dòng vốn ngoại sẽ sớm quay lại Việt Nam với sự phân kỳ của chính sách tiền tệ, tài khóa của Việt Nam và thế giới cùng với sự ổn định của tỉ giá. Tiền đồng sẽ tiếp tục duy trì sức mạnh của mình, trong bối cảnh các đồng tiền khác trong khu vực sẽ chịu áp lực mất giá do USD tăng giá vì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất.

Bằng chứng là nhiều nguồn vốn lớn tiếp tục chảy vào nước ta. Trước mắt, thị trường chứng khoán Việt Nam chuẩn bị chào đón thêm một quỹ đầu tư đến từ Đài Loan là Quỹ Jih Sun Vietnam Opportunity Fund (JSVOF).

Ông Richard Kao, Giám đốc đầu tư JSVOF, cho biết nền kinh tế Việt Nam đã có những bước tăng trưởng đáng nể và dự báo tiếp tục tăng trong tương lai. Do đó, các công ty Đài Loan từ lâu đã quan tâm đến thị trường này và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Đài Loan vào Việt Nam luôn nằm trong tốp đầu. “Chúng tôi sẽ là cầu nối cho các nhà đầu tư cá nhân Đài Loan vào Việt Nam” - ông Richard Kao nói.

Thanh lọc thị trường

Nhiều chuyên gia đã cảnh báo thời gian qua xuất hiện tình trạng đội lái, “cá mập” thao túng… chứng khoán thu lợi bất chính và làm méo mó thị trường. Chẳng hạn mới đây nhất, chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết đã bị bắt giam vì thao túng chứng khoán.

Vì vậy, giới chuyên gia kinh tế thống nhất cho rằng cần xử lý nghiêm khắc những trường hợp thao túng cổ phiếu để dòng vốn ngoại đổ mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải nhìn nhận sự xuất hiện của nhà đầu tư nước ngoài buộc thị trường chứng khoán lẫn các công ty đại chúng phải tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và áp dụng các yêu cầu quản trị công ty chặt chẽ hơn. Ví dụ như các công ty niêm yết phải cung cấp thông tin tốt hơn, mức độ bảo vệ nhà đầu tư cao hơn và tuân thủ các tiêu chuẩn cao hơn về quản trị công ty.

“Vào năm ngoái, khi sàn chứng khoán HOSE liên tục bị nghẽn lệnh, MSCI - một trong những tổ chức xếp hạng thị trường chứng khoán quan trọng nhất thế giới, đã nêu vấn đề này ngay trong báo cáo của họ về khả năng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt từ cận biên lên mới nổi. Đồng thời tổ chức này cũng đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phát triển tốt hơn nếu các quy định pháp luật về chứng khoán đi vào thực tiễn. Điều này cho thấy mọi chuyển động của thị trường chứng khoán Việt Nam được theo dõi rất chặt chẽ” - ông Hải nói.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng điều giới đầu tư ngoại quan tâm lúc này chính là làm sao tạo ra sân chơi minh bạch trên thị trường sau sự kiện của ông Trịnh Văn Quyết. Do vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần mạnh tay với hành vi thao túng chứng khoán để lập lại kỷ cương, kỷ luật và hỗ trợ cho tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt.

“Một khi được nâng hạng, các quỹ đầu tư ngoại sở hữu hàng trăm tỉ USD mới vào thị trường Việt Nam. Bởi nguyên tắc hoạt động của các quỹ này là chỉ hướng đến thị trường an toàn nhằm bảo vệ dòng tiền của các nhà đầu tư, chứ không phải vào một thị trường có nhiều đội lái, “cá mập” thao túng giá, cũng như xử phạt nhẹ” - ông Hải phân tích.

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, mới đây cũng khẳng định sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán. Từ đó nhằm đảm bảo tính tuân thủ pháp luật để thị trường phát triển ổn định, gia tăng tính minh bạch cho thị trường này.

Đề nghị thanh tra cổ phiếu rác

Trong một kiến nghị “Làm sạch thị trường chứng khoán” mới đây, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng cần thanh tra loại cổ phiếu rác bị nhà đầu tư xa lánh, giá trị cổ phiếu dưới mệnh giá trong thời gian dài. Bởi thực tế những loại cổ phiếu này vẫn huy động được nhà đầu tư chiến lược để mua cổ phiếu mới phát hành bằng mệnh giá, giá phát hành cao hơn giá thị trường 40%-50%. Đồng thời thanh tra việc tạo lập vốn điều lệ khống, gấp hàng trăm lần giá vốn ban đầu, sau đó cho doanh nghiệp đó niêm yết và chủ doanh nghiệp bán giấy thu tiền về.

VAFI cũng đề xuất thanh tra công ty chứng khoán làm công cụ làm giá chứng khoán cho những ông chủ của mình. “Cần xác định có hàng ngàn tài khoản giao dịch được mượn đứng tên từ người lao động trong doanh nghiệp, người thân thích nhưng giao dịch hằng ngày là do công ty chứng khoán thực hiện” - VAFI nhấn mạnh. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm