Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), tính đến tháng 9-2019, sau chín tháng hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực tại Việt Nam, hiện mặt hàng dệt may chưa tận dụng được các cơ hội của CPTPP nếu so với các mặt hàng như nông sản. Về quy tắc xuất xứ hàng nông sản có vẻ như “dễ thở” hơn khi dễ dàng chứng minh. Trong khi đó, mặt hàng dệt may quy tắc xuất xứ lại yêu cầu “từ sợi trở đi”.
Bên cạnh đó, việc cấp chứng chỉ C/O của Việt Nam vẫn đang phụ thuộc vào các cơ quan hữu quan, trong khi các nước thành viên CPTPP đã cho phép các doanh nghiệp tự chứng nhận quy tắc xuất xứ.
Cũng theo Vitas, sau khi Bộ Công Thương gửi đến Vitas cùng các đơn vị liên quan lấy ý kiến dự thảo thông tư về tiêu chí dán mác “Made in Vietnam” cho hàng sản xuất trong nước lưu thông trên thị trường nội địa.
Theo dự thảo, sản phẩm được coi “Made in Vietnam” nếu có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam khi thuộc một trong các trường hợp như: cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng, khoáng sản…
Trường hợp hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng và đảm bảo được hai tiêu chí về chuyển đổi mã số và hàm lượng giá trị gia tăng…thì được coi là “hàng hóa của Việt Nam”.
Cách xác định hàm lượng giá trị gia tăng được xác định theo hai công thức gián tiếp hoặc trực tiếp. Với cách trực tiếp, hàng có nguyên liệu đầu vào sản xuất toàn bộ tại Việt Nam chiếm 30% giá xuất xưởng thì được coi là hàng “Made in Vietmam”. Cách xác định gián tiếp là giá xuất xưởng trừ đi giá nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ Việt Nam.
Vitas cho rằng để xác định rõ hơn, Bộ Công Thương cần đưa ra các ví dụ cụ thể từng mặt hàng với mã HS khác nhau để xác định tỉ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa. Phần lớn các sản phẩm này có tỉ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa 30%. Tuy nhiên, để được xem là hàng “Made in Vietnam”, ngoài đạt tỉ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa 30% thì hàng hóa này còn phải vượt qua khâu gia công đơn giản.
Vitas nhận định rằng các quy định về xuất xứ hàng Việt Nam đang lấy ý kiến là sao chép quy định cũ về ghi nhãn hàng hóa trước đây ban hành tại Nghị định 31/NĐ-CP ngày 8-3-2019. Với nội dung chứa đựng quy định về điều kiện tiêu chí để sản phẩm hàng hóa được xác định là hàng hóa của Việt Nam thì văn bản nên ban hành dưới hình thức nghị định thay vì là thông tư.
Theo số liệu thống kê sơ bộ Vitas, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam chín tháng ước đạt 29,24 tỉ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị thặng dư thương mại đạt 15,24 tỉ USD, tăng 16,77% so với cùng kỳ năm 2018.
Tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may đạt 16,47 tỉ USD, tăng 0,74% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó mặt hàng bông giảm 12,21%, các mặt hàng còn lại tăng nhẹ.