Ngày 17-4, Sở Công thương TP.HCM tổ chức tọa đàm “Chắp cánh hàng Việt”-thuộc khuôn khổ hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, với mục tiêu mở rộng và nâng chất hàng Việt, trong năm 2019 chương trình “Chắp cánh hàng Việt” giai đoạn một được triển khai ở kênh phân phối hiện đại. Đây là giải pháp để đẩy mạnh đổi mới các hoạt động triển khai thực hiện Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Theo đó, chương trình tập trung các giải pháp hỗ trợ định hướng giúp chuẩn hóa ngành hàng nông sản thực phẩm tươi sống gồm rau củ quả trái cây, thịt gia súc, gia cầm….
Lí giải chọn ngành hàng này, ông Hòa cho biết đây là ngành hàng có nhu cầu tiêu dùng cao, gắn với đời sống người dân cũng như hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa cho nông dân các tỉnh. Thời gian qua việc “giải cứu” cũng xảy ra ở nhóm hàng này nên làm sao để hạn chế và tiến tới không để xảy ra nữa.
Mặt khác, thành phố cũng cần nguồn cung ổn định và đảm bảo chất lượng, ATVSTP. Khi làm tốt mục tiêu này, sẽ khẳng định giá trị thương hiệu nông sản Việt là tiền đề để vươn ra thế giới.
Bên cạnh đó, tiềm năng của ngành hàng này lớn vì theo số liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel cho thấy thực phẩm tươi sống ở các thành phố lớn chi tiêu cho thực phẩm tươi sống gấp ba lần đối với hàng tiêu dùng nhanh.
Một hộ dân chi 1,1 triệu đồng cho thực phẩm tươi sống/tuần. Mặt hàng được tiêu thụ nhiều nhất là trái cây chiếm 19%; thứ hai là thịt heo 14%, cá 12%, hải sản 12%, rau củ 11%, thịt gà 9%, thịt bò 8%, trứng 3%... Tính chung nhóm hàng này chiếm 88% trong giỏ hàng thực phẩm tươi sống…
Theo số liệu của Sở Công thương, một ngày TP.HCM tiêu thụ 1.000 tấn rau củ; 1.700 con heo, 40 ngàn con gà, 500 tấn trái cây… Qua đó cho thấy nhu cầu TP.HCM là rất lớn. Nếu sản phẩm Việt chinh phục được người tiêu dùng (NTD) thành phố, thị trường nội địa sẽ chắp thêm đôi cánh thâm nhập vào thị trường thế giới.
Chương trình đặt ra mục tiêu chuẩn hóa và nâng tầm hàng Việt. Để nâng tầm thì phải chuẩn hóa, không chỉ đạt chuẩn trong nước mà còn đạt cả những tiêu chuẩn để ra thị trường thế giới. Do đó, trong chương trình này các hệ thống phân phối hiện đại tiên phong đưa ra chuẩn “mới” nhưng không xa lạ, không vượt quá các tiểu chuẩn của nhà nước quy định.
Thứ nhất hàng hóa muốn đưa vào hệ thống phân phối hiện đại phải hướng tới đạt VietGap, GlobalGap cao hơn là hữu cơ. Theo số liệu ngành nông nghiệp hàng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap hiện nay chưa quá 30%. Nếu thị trường còn tiêu thụ song song sản phẩm không VietGap thì khó nâng cao tỷ trọng hàng VietGap lên.
Thứ hai là hàng hóa phải truy xuất nguồn gốc. Hiện nay hệ thống phân phối đã làm một số tiêu chuẩn trên nhưng chưa đồng bộ. Hệ thống phân phối gửi thông điệp cho DN sản xuất rằng phải làm được chuẩn như vậy mới được vào, nếu không thì từ chối, không kinh doanh.
Thứ ba hệ thống phân phối làm hạt nhân cho chương trình này; sẽ phát tín hiệu thị trường, định ra chuẩn hàng hóa; cam kết lượng hàng thu mua, khắc phục tình trạng mất cân đối cung cầu. Và hệ thống phân phối chỉ nhận bán những hàng đạt chuẩn thu mua từ những đơn vị mà được địa phương chứng nhận VietGap….
Trước đây nếu một nhà sản xuất làm hàng không đúng chuẩn bị loại khỏi hệ thống bán lẻ A, DN mang đến hệ thống B chào hàng sẽ được nhận. Nhưng bây giờ, nếu nhà sản xuất vi phạm sẽ bị loại khỏi tất cả các hệ thống phân phối của thành phố chứ không còn riêng lẻ của hệ thống đó nữa.
“Với việc thực hiện đồng bộ như vậy nhà sản xuất sẽ làm nghiêm túc hơn. Qua đó tạo cơ hội hàng Việt chinh phục NTD, có cơ hội vươn xa. Khi chúng ta chưa chuẩn hóa thì đừng mơ chúng ta đi đâu cả”, ông Hòa nói.
Cơ quan quản lí nhà nước cùng các nhà phân phối kí kết ghi nhớ tham gia phối hợp triển khai chương trình "Chắp cánh hàng Việt".
T.S Trần Tiến Khai, Đại học Kinh tế TP.HCM, thư kí Đề án Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm giữa TP.HCM và các tỉnh thành vùng trọng điểm kinh tế phía Nam cho biết, trước đây ở Châu Âu các ông chủ bán lẻ không có sự đồng thuận trong các tiêu chuẩn. Sau đó, họ ngồi lại với nhau cùng sự hỗ trợ của nhà nước xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chung và áp dụng cho toàn bộ Eruep GAP hiện thân của GlobalGAP bây giờ.
“Tôi đồng thuận với Sở Công thương đã đến lúc các nhà phân phối kênh hiện đại, cùng DN ngồi với nhau để hình thành được bộ tiêu chuẩn dùng chung , không chỉ thỏa mãn yêu cầu tiêu dùng trong nước mà còn thỏa mãn yêu cầu thị trường thế giới. Có như vậy mới tạo ra bước tiến mới cho hàng Việt”, T.S Khai nói.
Mặt khác, T.S Khai cho biết có đến 80% thực phẩm phân phối qua chợ đầu mối khó kiểm soát được ATVSTP, chỉ làm truy xuất nguồn gốc sản phẩm một cách tương đối. Do đó, trong giai đoạn một của chương trình “Chắp cánh hàng Việt” thực hiện từng mặt hàng trong nhóm thực phẩm tươi sống để tạo uy tín cũng như tâm lí ủng hộ NTD. Khi giải quyết được ở kênh phân phối thì mới triển khai đến các chợ đầu mối. Đây là chiến lược hợp lí trong bối cảnh hiện nay.