Ở thời điểm hiện tại, các nhà bán lẻ Việt Nam vẫn đang chiếm ưu thế hơn so với các ông lớn bán lẻ ngoại. Nhưng tương lai có trụ vững được hay bị loại khỏi cuộc chơi đang là vấn đề đau đầu của các nhà bán lẻ nội địa. Đây là nhận định nổi bật tại hội thảo về xu hướng của ngành bán lẻ Việt diễn ra hôm 7-11.
Tập đoàn ngoại nắm đại siêu thị
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam, nói: “Chúng ta thường nói nhà bán lẻ ngoại đang đầu tư phát triển mạnh ở thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của chúng tôi, hiện thời thị phần hàng tiêu dùng nhanh ở bốn thành phố lớn cộng với toàn bộ khu vực nông thôn thì chuỗi nhà bán lẻ nội đang chiếm thị phần 73% và chuỗi ngoại chiếm 27%”.
Tuy vậy, ông Hoàng lưu ý: Với mô hình siêu thị và siêu thị mini, doanh nghiệp (DN) nội chiếm lĩnh. Nhưng với mô hình đại siêu thị, nhà bán lẻ ngoại chiếm đến 92% và cửa hàng tiện lợi họ chiếm 80%.
“Do đó, đại siêu thị và cửa hàng tiện lợi là mảng mà các nhà bán lẻ nội cần cạnh tranh mạnh hơn nữa với nhà bán lẻ ngoại trong thời gian tới” - ông Hoàng khuyến nghị.
Cùng nhìn nhận trên, bà Nguyễn Hương Quỳnh, Tổng Giám đốc Công ty nghiên cứu thị trường Nilsen Việt Nam, cho rằng với các nhà bán lẻ đến từ phương Tây, yếu tố hiểu thị trường không bằng DN Việt Nam. Còn những nhà bán lẻ trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan phần nào hiểu được người Việt và mang những cái hay từ quốc gia của họ sang Việt Nam, tạo ra sự mới mẻ cho thị trường. Đây là những đối thủ đáng gờm của DN Việt.
Tổng giám đốc Công ty nghiên cứu thị trường Nilsen Việt Nam cũng gợi ý DN Việt nên tận dụng ưu thế sự hiểu tâm lý mua sắm của người dân bản địa nhưng cần chú ý sở thích mua sắm của khách hàng Việt thay đổi rất nhanh, thậm chí “thay đổi sau một đêm”. Cho nên DN Việt đừng ỷ y rằng mình hiểu người Việt, bởi họ có nhiều nhu cầu mới. Mà muốn đáp ứng được nhu cầu mới, nhà bán lẻ phải gần họ, lắng nghe và dự đoán nhu cầu tiếp theo của họ là gì.
Ở góc độ nhà bán lẻ, ông Diệp Dũng, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, đánh giá xét về siêu thị mini thì Saigon Co.op đang chiếm thị phần gần như tuyệt đối với 98%. Với cửa hàng tiện lợi, đơn vị này cũng đang từng bước hiện diện bằng các thương hiệu như Co.op Smile, Cheer. Có điều mô hình đại siêu thị đang là sân chơi của các tập đoàn nước ngoài.
“Chúng tôi chưa định hình mình phát triển trong phân khúc đại siêu thị vì tiềm lực tài chính chưa mạnh. Đó là một trong những rào cản của chúng tôi” - Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op Diệp Dũng thẳng thắn.
Trong những năm gần đây, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng có nhiều nhu cầu mới. Ảnh: TÚ UYÊN
Mất lợi thế vì tầm nhìn không xa
Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op Diệp Dũng dẫn các nghiên cứu và khẳng định thị trường bán lẻ Việt đang cạnh tranh nhất thế giới. Bằng chứng là các thương hiệu hàng đầu về bán lẻ thế giới đã có mặt ở Việt Nam. Đứng trước thách thức và cạnh tranh khốc liệt như vậy nhưng tiếc là ngành bán lẻ Việt lại thiếu tính gắn kết.
Ông Dũng dẫn chứng: Khi các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đầu tư ra nước khác bao gồm cả Việt Nam, họ có sự hậu thuẫn rất mạnh mẽ từ tuyến sau. Đó là các DN cung cấp hàng hóa cho siêu thị, hay các dịch vụ như ngân hàng, tài chính, tư vấn, luật...
Đặc biệt, các DN cung cấp hàng hóa cho siêu thị của nước ngoài có tầm nhìn dài hạn. Ví dụ, họ sẵn sàng chia sẻ một phần lợi nhuận, thậm chí chia lỗ cùng nhà bán lẻ để từng bước giành lấy thị phần của Việt Nam.
“Đây là cơ hội cho ngành bán lẻ tiếp tục lột xác trong tương lai. Theo xu hướng ấy, các DN bán lẻ sẽ trở thành một công ty công nghệ làm việc trong ngành bán lẻ” - ông Bob Hayward dự báo. Theo Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, trong ba năm liên tiếp tính đến tháng 9-2018, Co.opmart tiếp tục là thương hiệu được khách hàng chọn mua nhiều nhất với 19 triệu lượt mua sắm. Con số này gấp đôi thương hiệu đứng nhì tại Việt Nam. Còn theo khảo sát người tiêu dùng của Savills tại TP.HCM năm 2017, tỉ lệ người tiêu dùng thích đến các cửa hàng tiện lợi là 17%, cao hơn rất nhiều mức 4% vào năm 2015. |
Ngược lại, ở Việt Nam, các DN cung cấp hàng hóa cho siêu thị phần nhiều là nhỏ lẻ, tầm nhìn không xa, ít chia sẻ. Do đó, nhà bán lẻ Việt Nam dường như chỉ “cô đơn” đi một mình!
“Sự đồng hành, tầm nhìn của nhà cung cấp nội so với nước ngoài không bằng. DN ngoại quyết tâm giành lấy thị trường Việt Nam. Khác với chúng ta là quyết tâm… sống còn qua ngày (tồn tại trên thị trường được ngày nào hay ngày đó - PV). Điều này dẫn đến tiêu chí sản xuất, quan điểm, tầm nhìn, liên kết… để đẩy mạnh phát triển ngành bán lẻ Việt cũng khác nhau” - ông Dũng nhìn nhận.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Công ty nghiên cứu thị trường Nilsen Việt Nam Nguyễn Hương Quỳnh nhìn nhận thị trường bán lẻ Việt Nam chỉ đang mới bắt đầu. Bởi trong khi ở các nước tốc độ tăng trưởng của thị trường bán lẻ chậm lại thì Việt Nam tăng trưởng rất lạc quan. Do vậy sẽ có thêm nhiều ông lớn bán lẻ ngoại nhảy vào, DN Việt nên chuẩn bị tinh thần để cạnh tranh với những người mới.
“Một thị trường thực sự bùng nổ là khi khách hàng đã sẵn sàng thay đổi cách mua sắm. Đây là lúc các nhà bán lẻ cần nỗ lực để nắm bắt cơ hội này” - bà Quỳnh nhấn mạnh.
Thời khắc thú vị của ngành bán lẻ Việt Nam Bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận nghiên cứu tư vấn Savills TP.HCM, nhận định “thời khắc thú vị của ngành bán lẻ Việt Nam đã đến” khi trở thành môi trường màu mỡ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, hành vi tiêu dùng của người Việt Nam đã và đang thay đổi nhanh trong những năm gần đây. Điều này có thể nhận thấy khi nhiều dự án trung tâm thương mại hướng đến việc gia tăng tỉ lệ khách thuê F&B (ẩm thực) và vui chơi giải trí để đáp ứng những nhu cầu dành cho lĩnh vực này của khách hàng. Hiện nay, người tiêu dùng cũng sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn vào chuyện ăn uống bên ngoài. “Bán lẻ đang thay đổi từng ngày. Trong thời gian tới, chúng ta sẽ còn có dịp chứng kiến rất nhiều mô hình bán lẻ mới với những tiện ích hiện đại phục vụ tối đa nhu cầu trải nghiệm, giải trí lẫn sáng tạo… Nói chung, đây là một thời khắc thú vị” - đại diện Savills nói. Trong khi đó, ông Bob Hayward, tư vấn chiến lược của KPMG, cho biết ngành bán lẻ trên toàn cầu đang thay đổi nhiều. Tại Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng. Hiện một số DN công nghệ châu Âu rất mong muốn thâm nhập vào thị trường Việt Nam. |