Tại hội thảo Giới thiệu triển vọng tương lai cho ngành bán lẻ do Abeo International tổ chức ngày 10-5, ông David Tan, Giám đốc điều hành Công ty Abeo Việt Nam, cho biết năm 2016 thị trường bán lẻ Việt Nam có trị giá trên 118 tỉ USD với mức tăng trưởng 10%. Trong đó, ngành ăn uống dịch vụ phát triển nhanh, doanh thu dịch vụ ăn uống toàn quốc đạt mức kỷ lục khoảng 41 tỉ USD.
Bên cạnh đó, sự thâm nhập của các nhà bán lẻ quốc tế đang phát triển nhanh chóng sẽ đóng vai trò chủ đạo trong thị trường Việt Nam thông qua hình thức mua bán và sáp nhập (M&A).
Tuy nhiên, các nhà bán lẻ quốc tế mang lại thị trường bán lẻ nội địa vốn đầu tư cũng như các phương pháp thực hành tốt nhất cho ngành bán lẻ Việt mà họ đã được áp dụng cho các nước phát triển.
Trong khi đó, ông Phạm Thành Công, đại diện Nielsen Việt Nam, cho biết thách thức hiện nay đối với ngành bán lẻ rất gay gắt và có những thay đổi cơ bản. Chẳng hạn trong 20 năm qua, để đánh giá một thị trường để đầu tư thì dân số trẻ là yếu tố quyết định nhưng hiện nay công nghệ kết nối của NTD chi tiêu là điều mà nhà đầu tư quan tâm hơn.
Mặt khác, ông Công cũng cho rằng sự cạnh tranh ở thị trường bán lẻ Việt Nam rất gay gắt. Riêng kênh siêu thị là rất lớn với xấp xỉ 20 thương hiệu trong khi các nước chỉ có năm thương hiệu. Việt Nam có 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa. Tính ra có 70 cửa hàng/người, cho thấy người tiêu dùng Việt được trang bị tận răng.
Về hành vi mua sắm ở kênh truyền thống thì sự tương tác của điểm bán với người tiêu dùng chỉ 90 giây nên bản thân người tiêu dùng Việt có yêu cầu cao về sự nhanh.
Riêng kênh siêu thị, Việt Nam có 20 thương hiệu.
Cùng nhận định trên, ông Tan cho biết trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay, để hiểu biết sâu sắc hơn đối với hành vi của người tiêu dùng, nhanh chóng đáp ứng yêu cầu và nâng cao dịch vụ khách hàng sẽ là chìa khóa để giành chiến thắng và giữ được sự trung thành của khách hàng.
Vì vậy, việc sử dụng giải pháp công nghệ giúp cho các nhà bán lẻ những lợi thế, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Chẳng hạn như SAP S dành cho ngành bán lẻ, giúp doanh nghiệp tự động hóa các quy trình khó xử lý thủ công như theo dõi hàng tồn kho, quản lý nhà kho, dự báo nhu cầu về các sản phẩm chủ chốt. Quản lý sự thay đổi nhu cầu của khách hàng đối với các sản phẩm thị trường hiệu quả hơn.
Ông Công cho biết năm 2016 tăng trưởng ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) Việt Nam đạt 6,5% về giá trị, điều này cho thấy quy mô và động lực thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn phát triển.
Việt Nam nằm trong top 3 điểm đến các nhà đầu tư quan tâm bên cạnh thị trường bán lẻ Indonesia và Trung Quốc. Dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam thông qua kên bán lẻ ngày càng tăng. Hiện nay ngành dịch vụ bán lẻ là động lực tăng trưởng GDP chứ không còn là ngành nông nghiệp.