Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho biết kết quả khảo sát mới nhất cho thấy chỉ số niềm tin các nhà bán lẻ (RCI) truyền thống Việt Nam trong quý I-2018 còn 68 điểm, giảm một điểm so với cùng kỳ năm 2017.
Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ truyền thống cũng bày tỏ mối quan tâm lớn về sức mua hàng, lưu lượng đến cửa tiệm của người tiêu dùng (NTD) và sự cạnh tranh từ các nhà bán lẻ khác.
Cụ thể, có 45% nhà bán lẻ truyền thống thể hiện sự lo ngại của họ về sức mua của NTD, sự lo ngại này tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tiếp đến, có 28% nhà bán lẻ lo ngại về số lượng người đến mua hàng giảm so với trước đây, 14% lo lắng về sự canh tranh giữa các nhà bán lẻ khác.
Đặc biệt, khi hỏi các cửa hàng bán lẻ có đồng ý với việc NTD đang chuyển dần sang mua sắm ở cửa hàng tiện ích, siêu thị mini hay siêu thị trong tết vừa rồi so với tết năm 2017 hay không thì có đến 70% trong số họ đồng ý.
Điều này cho thấy các chủ cửa hàng bán lẻ truyền thống đã cảm nhận rõ ràng hành vi thay đổi mua sắm của NTD.
Vì vậy, các nhà sản xuất nên hiểu rõ mối lo ngại và cần hỗ trợ nhiều hơn để giúp tăng sức ủng hộ của NTD tại cửa tiệm. Đồng thời giúp nhà bán lẻ phát triển kinh doanh, nâng cao năng lực phân phối sản phẩm.
Chủ các cửa hàng bán lẻ truyền thống cảm nhận rõ sự thay đổi mua sắm của người tiêu dùng sang kênh hiện đại
Theo Nielsen, hiện nay Việt Nam có hơn 1,4 triệu cửa hàng bán lẻ thì kênh truyền thống là lớn nhất cả về số lượng và đóng góp doanh thu cho ngành hàng tiêu dùng nhanh.
Ở thành thị, kênh bán lẻ truyền thống đóng góp khoảng 83% tổng doanh thu, tương đương gần 10 tỉ USD trong ngành hàng tiêu dùng nhanh. Qua đó cho thấy vai trò quan trọng của kênh thương mại này trong thị trường đầy cạnh tranh như Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả RCI quý I-2018 cho thấy kênh bán lẻ truyền thống đang gặp khó khăn cạnh tranh với kênh hiện đại.
Báo cáo từ Nielsen chỉ ra chi tiêu của NTD hiện đang ưu tiên rót vào những khoản lớn hơn như du lịch, xe máy, điện thoại, đồ gia dụng… những khoản này có sự tăng trưởng mạnh mẽ.