“Xác định công tác cải tác, cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong việc nâng cao chất lượng phục vụ; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp (DN) làm trọng tâm phục vụ”. Đây là chia sẻ của ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, trong buổi công bố dịch vụ công trực tuyến ngày 29-12.
Hiện nay Sở Công Thương TP.HCM đã triển khai 55 thủ tục hành chính với dịch vụ công trực tuyến đối với bốn lĩnh vực: Sản xuất kinh doanh sản phẩm rượu; kinh doanh thuốc lá, nguyên liệu thuốc lá; kinh doanh bán lẻ xăng dầu; xây dựng công trình điện nhóm B, C; Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài; khuyến mãi, hội chợ triển lãm thương mại; hóa chất; hợp đồng mẫu; đăng ký dấu nghiệp vụ giám định thương mại; hoạt động đa cấp, kinh doanh gas, nạp gas chai.
Việc đăng ký trực tuyến này đã mang lại thuận lợi cho thương nhân, giảm tối đa thời gian chi phí thực hiện thủ tục. Góp phần thực hiện đúng chủ trương của thành phố về xây dựng thành phố thông minh và hiện đại.
Theo ông Kiên, 55 thủ tục hành chính này là những thủ tục mà số lượng người dân, DN đến Sở Công Thương giải quyết nhiều nhất. Theo tiến độ đến hết quý I-2018 cố gắng triển khai được 90 thủ tục/107 thủ tục hành chính, đến tháng 6-2018 hoàn thành 100% thủ tục hành chính giải quyết qua dịch vụ công.
Công chức Sở Công Thương TP.HCM hướng dẫn doanh nghiệp khi đến làm thủ tục hành chính
Nói về hiệu quả của thực hiện dịch vụ công trực tuyến, ông Kiên dẫn chứng trước đây trung bình một ngày Sở Công Thương tiếp nhận 300-400 người dân, DN đến giải quyết về các vấn đề thủ tục hành chính, kể từ khi triển khai dịch vụ công số lượng giảm, hiện nay còn 60-70 DN đến giải quyết thủ tục hành chính.
Hay như một năm Sở Công Thương nhận 70.000 hồ sơ đăng ký khuyến mãi, thông báo khuyến mãi, nếu không có dịch vụ công có 140.000 lượt người đến Sở, tương đương 100-200 lượt người/ngày đến Sở nộp/nhận hồ sơ như vậy là rất lớn. Hoặc việc quản lý văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài, hiện ở TP.HCM có 3.200 văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài, nếu mỗi tháng mà 3.200 văn phòng này đến Sở báo cáo… sẽ mất thời gian.
Ông Kiên tin rằng dịch vụ công của Sở được người dân tham gia tích cực vì thật ra trong quá trình triển khai dịch vụ nhiều người vẫn chưa biết đến.
Người dân có thể theo dõi hồ sơ của mình do ai đang giải quyết
Bên cạnh đó, đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết sẽ thay đổi cách thức giao dịch giữa cán bộ của sở với người dân, DN. Thay vì trước người dân đến quầy đó trao đổi với công chức qua một vách ngăn kiếng… như vậy rất nặng nề, trọng tâm phục vụ chưa hướng vào khách hàng, nay sở sẽ tạo ra các không gian giao dịch thân thiện hơn.
“Chúng tôi lấy mục tiêu làm sao phục vụ tốt nhất người dân, DN đến giải quyết thủ tục hành chính. Đặt trọng tâm phục vụ người dân, DN lên hàng đầu, đổi mới cách tiếp nhận hồ sơ. Vì vậy, Sở Công Thương hoàn chỉnh mô hình Tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính theo hướng hiện đại mang tính phục vụ ngày càng cao. Theo mô hình này, cán bộ, công chức Sở Công Thương là người chủ động liên hệ với người dân, DN để tiếp nhận các yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính tại Sở” - ông Kiên chia sẻ.
Trong lúc chờ khách hàng sẽ được dùng cà phê miễn phí.
Theo đó, khi người dân, DN đến Sở Công Thương làm thủ tục sẽ có nhân viên tiến hành lấy số, đặt tại khu vực chờ. Tại đây người dân, DN có thể dùng cà phê, WiFi miễn phí. Bộ phận tiếp nhận hồ sơ căn cứ vào số thứ tự của khách hàng sẽ chủ động đến khu vực chờ để hỗ trợ và tiếp nhận các yêu cầu giải quyết. Sau khi trao đổi các thông tin để giải quyết thủ tục hành chính, Bộ phận Tiếp nhận hồ sẽ in biên nhận và đến khu vực chờ để gửi cho khách hàng. Cuối cùng, nếu khách hàng muốn nhận hồ sơ ngay tại nhà thì dịch vụ bưu điện chuyển đến tận nhà, hay công ty theo yêu cầu.