Theo bà Trang, có thể ở những siêu thị nước ngoài có một khu vực trưng bày hàng ngoại để quảng cáo, thường chỗ này có vị trí đẹp. Do vậy khi bước vào siêu thị là người tiêu dùng thấy liền, đập vào mắt ngay nên cảm thấy hàng ngoại nhiều. Nhưng khi vào các kệ quầy thực sự thì hàng ngoại không bao nhiêu cả. "Nên khi bước vào siêu thị đừng nghĩ hàng ngoại nhiều mà không thấy hàng Việt đâu nữa" - bà Trang nói.
Theo báo cáo của Sở Công Thương TP.HCM, tính đến cuối năm 2017 tại TP.HCM có 239 chợ truyền thống, 207 siêu thị, 43 Trung tâm thương mại, hơn 1.600 cửa hàng tiện lợi. Đa số các hệ thống phân phối lớn của doanh nghiệp trong nước như Co.opmart tỉ lệ hàng Việt 90%-93%, Satra tỉ lệ hàng Việt 90%-95%, Vinmart tỉ lệ hàng Việt 96%...
Trước đó trong cuộc sơ kết ba năm thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2015-2017, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết Thái Lan đã mua các kênh phân phối. Bây giờ vô Metro sẽ thấy hàng Việt Nam dần biến mất, họ đưa xuống từ từ đi ra ngoài cửa luôn.
"Họ cũng nói với những nhân viên làm ở đó là đường lối của Metro là toàn bộ sản phẩm Thái ai không thích làm thì nghỉ…" - bà Hạnh cho hay
Người tiêu dùng đang chọn mua dầu ăn tại siêu thị
Theo Sở Công Thương TP.HCM, nhìn chung các doanh nghiệp trong nước vẫn đang chiếm ưu thế về điểm bán đối với loại hình siêu thị và cửa hàng tiện lợi với tỉ trọng lần lượt là 79% và khoảng 70%. Tuy nhiên, tỉ trọng siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài hiện nay đang có xu hướng tăng, cụ thể chiếm khoảng 21% toàn hệ thống và chiếm khoảng 40% siêu thị tổng hợp trên địa bàn thành phố.
Trong năm 2017 các doanh nghiệp bán lẻ chủ lực của thành phố đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm mặt bằng phục vụ công tác phát triển điểm bán. Do đó, trong năm 2018, thành phố cần có chính sách hỗ trợ các đơn vị này nhanh chóng phát triển điểm bán để tiếp tục chiếm tỉ trọng cao đối với thị phần bán lẻ thành phố.