Deutsche Bank (Đức) hồi đầu tháng này đã khiến nhiều người kinh ngạc khi trở thành ngân hàng lớn đầu tiên dự báo về một cuộc suy thoái của Mỹ. Thời điểm đó Deutsche Bank đề cập rằng khả năng sẽ là một cuộc suy thoái "nhẹ".
Giá tiêu dùng ở Mỹ tăng 8,5% trong tháng 3, tốc độ nhanh nhất trong 40 năm.
Và giờ, Deutsche Bank cảnh báo về một cuộc suy thoái sâu hơn, do các biện pháp Cục Dự trữ Liên bang (FED) đặt ra nhằm giảm lạm phát, theo đài CNN.
“Chúng ta sẽ gặp phải một cuộc suy thoái lớn” - các nhà kinh tế của Deutsche Bank viết trong một báo cáo gửi đến các khách hàng ngày 26-4.
Báo cáo có tiêu đề đáng ngại: "Tại sao cuộc suy thoái sắp tới sẽ tồi tệ hơn dự kiến”.
Lạm phát của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong 4 thập niên, khiến người dân Mỹ phải cẩn thận hơn về những gì họ mua. Ảnh: AFP
Theo Deutsche Bank, vấn đề là lạm phát có thể lên đến đỉnh điểm và sẽ mất một "thời gian dài" trước khi nó quay trở lại mục tiêu của FED là 2%. Điều đó cho thấy FED sẽ tăng lãi suất mạnh đến mức gây tổn hại cho nền kinh tế.
Nếu lạm phát tiếp tục ở mức cao, FED sẽ buộc phải xem xét các đợt tăng lãi suất ấn tượng hơn. FED đã tăng lãi suất thêm một phần tư điểm phần trăm vào tháng 3. Tuần trước Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết tuần tới FED sẽ họp bàn về khả năng tăng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm nữa.
Trong báo cáo, các nhà kinh tế của Deutsche Bank cho rằng “rất có thể FED sẽ phải phanh gấp hơn nữa”, và để đưa lạm phát giảm xuống thì khả năng lớn sẽ xảy ra một cuộc suy thoái sâu.
Theo Deutsche Bank, lịch sử cho thấy FED "chưa bao giờ có thể điều chỉnh" lạm phát và việc làm thậm chí ở mức độ nhỏ hơn "mà không đẩy nền kinh tế vào một cuộc suy thoái”. Tin tốt là Deutsche Bank nhận thấy nền kinh tế Mỹ phục hồi vào giữa năm 2024 khi FED đảo ngược hướng đi trong cuộc chiến chống lạm phát.
Trong khi đó ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) thừa nhận sẽ là "rất thách thức" để giảm lạm phát cao và tăng trưởng tiền lương, đồng thời nhấn mạnh rằng suy thoái là "không thể tránh khỏi”.
Trong một báo cáo được công bố vào tuần trước, các nhà kinh tế của Goldman Sachs cho rằng “có lẽ cần tăng trưởng chậm lại đến một tốc độ hơi thấp hơn tiềm năng”, và đó là “một con đường làm tăng nguy cơ suy thoái”.
Ngân hàng đầu tư UBS (Thụy Sĩ) cũng hy vọng rằng nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục mở rộng bất chấp việc FED chuyển sang chế độ chống lạm phát.
Ông Mark Haefele, giám đốc đầu tư tại công ty quản lý tài sản UBS Global Wealth Management, viết trong một báo cáo công bố hôm 22-4 rằng: “Lạm phát nên giảm bớt từ mức hiện tại và chúng tôi không kỳ vọng sẽ có suy thoái do lãi suất tăng”.
Chiến tranh và phong tỏa chống COVID-19 gây áp lực lạm phát
Deutsche Bank cho rằng yếu tố quan trọng nhất đằng sau quan điểm tiêu cực của mình là khả năng lạm phát sẽ tiếp tục "tăng liên tục trong thời gian dài hơn so với dự đoán chung". Deutsche Bank cho biết một số diễn biến sẽ góp phần làm lạm phát cao hơn mức đáng lo ngại, bao gồm: sự đảo ngược của toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu, chuỗi cung ứng bị gián đoạn nghiêm trọng hơn nữa do cuộc chiến ở Ukraine và việc phong tỏa chống COVID-19 ở Trung Quốc, và ngay cả suy nghĩ lạm phát sẽ gia tăng cũng sẽ khiến lạm phát tăng cao hơn về thực tế.