Được gặp bà Bảy Huệ - phu nhân cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh mấy lần nhưng lần nào tôi bày tỏ mong muốn tìm hiểu về những hoạt động từ thiện do bà khởi xướng đều nhận lời từ chối: “Những việc đó nhỏ, chúng ta hãy dành sự quan tâm cho những việc chưa làm được”. Và lần nào cũng bắt gặp bà ngồi lẫn vào đám đông, dễ nhận ra nhưng không dễ hỏi chuyện riêng.
Dì Bảy Huệ
Từ bao giờ hình ảnh bà Bảy Huệ với mái tóc bạc trắng, gương mặt phúc hậu, ánh mắt vừa ấm áp vừa kiên định đã trở thành điểm tựa của nhiều cụ già neo đơn, trẻ em nghèo, bất hạnh. Với các em, mái tóc trắng ấy thật gần với mái tóc trắng của bà tiên trong truyện cổ tích được nghe giữa những lam lũ cuộc đời.
Bà Bảy Huệ đã bước qua tuổi xưa nay hiếm từ rất lâu nhưng nhiều người thuộc nhiều thế hệ tiếp nối vẫn gọi bà là dì Bảy Huệ một cách trìu mến như bà vẫn trẻ mãi, vẫn luôn giữ sự sôi nổi, nhiệt huyết của những ngày đầu theo cách mạng.
|
Di ảnh bà Ngô Thị Huệ. |
Thực tế, khi đã quá tuổi nghỉ hưu, thay vì chọn cuộc sống an nhàn, bà dấn thân vào chặng đường mới cũng đầy tâm huyết và nỗ lực. Bà tích cực tham gia các phong trào phụ nữ, là một trong những người thuộc nhóm thành lập tổ nghiên cứu lịch sử phụ nữ Nam bộ và sáng lập Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, ủy viên Hội đồng biên soạn lịch sử Nam bộ kháng chiến.
Năm 1993, bà cùng một số cán bộ đề xuất thành lập Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM. Khi hội được thành lập vào năm 1994, bà là một trong những người đầu tiên tham gia, vận động các nhà hảo tâm cùng góp tiền bạc, thuốc men; vận động nhiều bác sĩ giỏi chăm lo cho bệnh nhân nghèo. Bà là phó chủ tịch hội đến năm 2009 và tiếp tục là ủy viên thường vụ của hội nhiều năm sau đó. Bệnh viện miễn phí An Bình cũng ra đời với tâm nguyện chia sẻ khó khăn của những hoàn cảnh kém may mắn.
Bước chân không mỏi
Từ năm 15 tuổi, bà Ngô Thị Huệ đã được người anh rể thứ năm dẫn dắt vào con đường cách mạng, trở thành giao liên, thoát ly gia đình. Năm 1936, khi mới bước sang tuổi 18, bà đã được kết nạp Đảng. Sau đó bà tham gia hoạt động cách mạng tại nhiều nơi, là huyện ủy viên huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh (năm 1937); tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Trà Vinh (năm 1938); tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Cần Thơ (năm 1939); ủy viên liên tỉnh ủy Hậu Giang gồm sáu tỉnh miền Tây (năm 1940).
|
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên chia buồn cùng gia quyến bà Ngô Thị Huệ. |
Trui rèn bản lĩnh và kinh nghiệm hoạt động cách mạng từ sớm, bà Ngô Thị Huệ trở thành phó bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long khi chỉ mới 22 tuổi, tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940. Khi phong trào Nam kỳ khởi nghĩa thất bại, bà bị bắt và phải ngồi tù 12 tháng nhưng sau đó được tuyên trắng án. Tháng 6-1942, bà bị bắt lần hai và bị tuyên án khổ sai chung thân, bị giam cầm, tra tấn ở các nhà tù Chợ Quán, Chí Hòa, Côn Đảo. Đến tháng 6-1945, sau một số lần tổ chức phá khám vượt ngục, bà thoát về Bạc Liêu. Bà tham gia tỉnh ủy lâm thời, tổ chức Cách mạng Tháng Tám và cướp chính quyền nơi đây.
Một phụ nữ kiên gan, bất khuất, trung hậu, đảm đang
Đồng chí Ngô Thị Huệ
Người con ưu tú của quê hương Sóc Trăng
Một phụ nữ kiên gan, bất khuất, trung hậu, đảm đang…
… Sống 105 tuổi đời, 87 tuổi Đảng, được giao nhiều trọng trách khác nhau, cương vị nào đồng chí cũng đem hết tâm sức phục vụ cách mạng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, không hề so tính.
Ý chí, nghị lực, tâm huyết, lòng trung thành, dũng cảm của đồng chí là biểu trưng cao đẹp của người phụ nữ Nam bộ, phụ nữ Việt Nam.
Với tình cảm, lòng tiếc thương vô hạn, chúng con nguyện học tập, noi theo tấm gương sáng của cô Bảy, sống xứng đáng với sự hy sinh vô bờ bến của bao thế hệ tiền nhân…
Bí thư Thành ủy TP.HCMviết trong sổ tang
Trong đợt tổng tuyển cử đầu tiên vào năm 1946, bà Ngô Thị Huệ trở thành đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Đó là một trong ba nữ ĐBQH đại diện miền Nam trong 10 nữ ĐBQH khóa I. Bà ra Hà Nội nhận công tác QH vào tháng 10 năm ấy.
Trở lại miền Nam, bà tiếp tục tham gia Ban tổ chức Xứ ủy, Ban Phụ vận, Đảng đoàn Phụ nữ Nam bộ, làm ĐBQH lưu nhiệm (miền Nam) khóa II và III.
Trong chuyến quay lại miền Nam công tác vào năm 1947, bà Ngô Thị Huệ quen ông Nguyễn Văn Linh, tức ông Mười Cúc (khi đó là ủy viên Xứ ủy Nam bộ) và năm sau ông bà nên duyên vợ chồng. Vậy nhưng do chiến tranh ác liệt và đặc thù công tác nên ông bà rất ít gặp nhau.
Bà đưa ba người con ra Hà Nội nhận công tác vào năm 1959 trong khi ông tiếp tục hoạt động ở miền Nam và lãnh đạo Thành ủy Sài Gòn - Gia Định. Sau 15 năm ròng chịu cảnh vợ chồng xa cách, khi đất nước thống nhất, ông bà mới được đoàn tụ.
Những năm tháng đằng đẵng gian nan ấy không chỉ làm nhiệt huyết dành cho đất nước của dì Bảy Huệ thêm sôi sục mà còn khiến bà thêm thông cảm với đồng bào đang phải chịu nhiều mất mát, thiệt thòi. Đó chính là động lực cho bước chân không mỏi để những ai sống gần hay chỉ tiếp xúc với bà đều thấy ấm lòng khi có cảm giác được chia sẻ, thông cảm, đồng thời cũng được thúc giục.
Dì Bảy Huệ với mái tóc trắng như mây rất dễ nhận ra giữa đám đông trong những cuộc vận động từ thiện ấy đã đi vào cõi vĩnh hằng. Tóc trắng đã hòa cùng mây trắng, hòa cùng niềm an ủi, từng ước mơ của những đồng bào, đồng chí mà bà đồng hành suốt cả thế kỷ qua.
Dành hết tâm sức cho lợi ích cộng đồng
Trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình, chị Bảy Huệ giữ nhiều trọng trách khác nhau nhưng không ai thấy chị so đo hơn thiệt. Chị đã dành hết tâm sức của mình cho sự nghiệp cách mạng, cho lợi ích cộng đồng không biết mệt mỏi...
Ý chí và nghị lực của chị Bảy Huệ thể hiện đúng nghĩa một chiến sĩ cách mạng kiên trung. Trong gia đình, chị là người vợ, người mẹ, người chị tuyệt vời; đối với bạn bè, đồng chí, chị rất mực quý mến. Chị Bảy Huệ là một biểu tượng rất đẹp của người phụ nữ Nam bộ, phụ nữ Việt Nam.
Cố Thủ tướng VÕ VĂN KIỆT