Chẳng hạn, năm 2013 không in tiền mới mệnh giá 500 đồng, năm 2014 là tiền 1.000-2.000 đồng, năm 2015 là tiền 5.000 đồng và năm nay là không in và chi ra tiền mới in còn nguyên seri từ 5.000 đồng trở xuống. Năm nay, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã giảm được chi phí phát hành tiền lẻ là 400 tỉ đồng, nâng tổng mức tiết kiệm lên đến 1.900 tỉ đồng trong bốn năm qua.
Đó là cái lợi về mặt kinh tế cho Nhà nước nhưng lại là cái lợi cho bọn con buôn tiền mệnh giá nhỏ. Theo một tờ báo mạng thì trong những ngày sau Tết lượng khách đổ về các đền, chùa hành lễ tăng mạnh. Dịch vụ đổi tiền lẻ cũng trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết với mức phí “trên trời”.
Dịch vụ đổi tiền lẻ vào mùa lễ hội ở miền Bắc nhộn nhịp hơn bao giờ hết với mức phí “trên trời”.
“Tại một số ngôi chùa nổi tiếng như chùa Nôm (Hưng Yên), chùa Phật Tích, đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)… lượng người đổ về hành lễ mỗi ngày lên tới hàng chục ngàn người. Dịch vụ đổi tiền lẻ vì thế cũng nhộn nhịp. Theo chia sẻ của một số đầu mối đổi tiền, Tết Nguyên đán chính là thời điểm nhu cầu đổi tiền lẻ đặt lễ của du khách cao nhất trong năm. Năm nay các đầu mối đổi tiền lẻ vẫn trực bên ngoài cổng đền, chùa… khi người dân hỏi đổi tiền lẻ là ngay lập tức đáp ứng. Theo ghi nhận tại chùa Phật Tích, từ bên ngoài cổng chùa, ngay khi đề cập tới chuyện đổi tiền lẻ để đặt lễ, một đầu mối nhanh chóng đưa lời mời chào đổi tiền với mức chênh lệch 100.000 đồng đổi 60.000 đồng. Tiền lẻ tại đầu mối này chủ yếu là mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng và 2.000 đồng, tuy nhiên đã khá cũ. Khi được đề nghị đổi tiền với hình thức mới, đầu mối này cho biết tiền mới năm nay không có nhiều. Theo đầu mối này, từ mùng 2 Tết, lượng khách đổ về hành lễ đã rất đông, ngày nào cũng có tới cả trăm khách có nhu cầu đổi tiền lẻ. Tuy nhiên, chủ yếu khách có nhu cầu đổi tiền để đặt lễ nên số lượng mỗi người đổi không quá nhiều. Anh Hòa (Hải Dương), một du khách hành lễ tại chùa Phật Tích, cho hay hầu như ở ngôi đền, chùa nào cũng có dịch vụ đổi tiền lẻ. Gia đình anh đi hành lễ nhiều nơi nhưng rất ít khi chuẩn bị trước, thường đến cổng chùa mới đổi để đặt lễ” (theo Zing).
Riêng ở Sài Gòn (và nói rộng là cả miền Nam) từ xưa đến nay trong ngày Tết và sau Tết, người theo đạo Phật cũng đi chùa để cầu may mắn. Từ nhỏ đến lớn tôi không bao giờ thấy có dịch vụ đổi tiền lẻ xuất hiện trước các ngôi chùa tại Sài Gòn. Trong ngôi chùa nào cũng đều có để thùng “phước sương” để người đi lễ cúng dường tùy hỉ. Khách thập phương lễ chùa, dù cúng nhiều hay ít, thường kín đáo xếp tiền lại, có người thì bỏ tiền trong bao lì xì rồi bỏ vào khe hở ở miệng thùng, không phải tiền lẻ và tất nhiên người nghèo thì bỏ vào thùng theo khả năng của họ. Ở những nơi có đặt heo hoặc mâm lễ thì Phật tử cũng chẳng để tiền vào mâm, nếu có thì chỉ là tiền vàng mã. Có nhiều người đến chùa chỉ thắp nhang, lạy Phật và cầu nguyện, chẳng cúng thì cũng chẳng sao.
Theo như tôi hiểu, những khách thập phương vãn cảnh chùa này cúng tiền là để nhà chùa có khả năng tài chính để giữ gìn và tôn tạo chùa cho họ đi hành lễ, xin phước đầu năm. Nhà chùa được xây dựng để mọi người không phân biệt giàu nghèo vào hành lễ. Người có tiền đóng góp phước sương để mọi người còn có chùa để tu tâm dưỡng tánh. Đến chùa cầu may, Phật thương phận người khổ sở thì ban phước chứ người đi chùa không hề rải tiền, nhét tiền vào tay hay miệng tượng Phật để xin lộc. Họ quan niệm cúng bái kiểu này thì người đi chùa đã dùng tiền để mua thánh thần bằng… tiền lẻ. Bởi vậy, chẳng thấy có con ma đổi tiền lẻ nào xuất hiện ở các chùa miền Nam vì bọn buôn tiền này biết là sẽ chẳng mần ăn gì được khi mà người đi chùa không có tinh thần hối lộ thánh thần như vậy. Cứ làm phước, ở hiền, giúp người hoạn nạn là Phật sẽ độ… thế thôi!