Giống như các năm trước, năm nay những đồng tiền có mệnh giá nhỏ 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng... được nhiều người tìm đến.
Trong vai một người đang có nhu cầu đổi tiền lẻ, chúng tôi gọi điện thoại đến số máy 090252xxxx thì được người bên kia đầu dây tư vấn: “Đổi tiền 500 đồng thì phải chịu mức phí 70%. Còn đối với tiền 1.000 đồng có mức phí là 30%, tức cứ đổi 1 triệu đồng tiền loại 1.000 đồng, khách hàng sẽ chỉ thu về được 700.000 đồng. Càng gần tết, phí càng cao hơn chứ không thấp như bây giờ”.
Tại một số nơi khác, phí đổi tiền lẻ cũng rất cao. Chẳng hạn, phải chi trả 20.000 đồng mới đổi được một tờ 100 đồng loại mới. Những nơi này còn quảng cáo tiền mới 100% chưa qua sử dụng, còn nguyên cọc. Ngoài ra đổi càng nhiều giá càng rẻ.
Mặc dù ủng hộ chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tuy nhiên bà Trần Thị Hồng (nhà ở quận 2, TP.HCM) cho biết: “Để đổi được tiền lẻ ở các ngân hàng thương mại không dễ. Tôi đã đến một vài ngân hàng để hỏi nhưng nhân viên lắc đầu từ chối với câu trả lời quen thuộc là do quỹ tiền lẻ có giới hạn, chỉ cung ứng một lượng tiền vừa đủ cho nhu cầu của người dân”.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, cho biết người dân, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu đổi tiền lẻ có thể đến các ngân hàng có mở tài khoản để được đổi. Tuy nhiên, số lượng tiền lẻ không nhiều bởi NHNN có chủ trương không in mới tiền mệnh giá nhỏ lẻ (loại từ 5.000 đồng trở xuống) trong dịp tết Nguyên đán 2017.
“Để đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân, NHNN khuyến khích sử dụng các loại tiền đã qua lưu thông, tiền còn tồn kho” - ông Minh nói.
Theo thống kê từ NHNN, chỉ trong bốn năm (từ năm 2012 đến 2016), việc không in tiền mới nhỏ lẻ dịp tết đã tiết kiệm cho ngân sách tới 1.500 tỉ đồng. Trong đó bao gồm chi phí in, vận chuyển, đóng gói, phân loại, kiểm đếm.