Ngày còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, tôi nghe thầy nói qua cụm từ “hệ sinh thái bền vững” mà vẫn chưa hiểu được trọn vẹn ý nghĩa.
Du lịch xanh
Thời gian cứ dần trôi trên đôi chân và đến khi được ngắm nhìn thế giới bên ngoài trên đường đi du lịch, tôi chợt nhận ra rằng “xanh” là một trong những yếu tố cơ bản cấu thành nên “hệ sinh thái bền vững”.
Argentina còn giữ cho mình những khối băng trinh nguyên. Ảnh: NGUYỄN CHÍ LINH
Những người lữ hành phương Tây đưa ra khái niệm: trong sa mạc hay dưới lòng đại dương làm gì có cây xanh.
Xanh có nghĩa là những vùng đất chưa có nhiều bàn tay con người tác động, nơi ấy còn hoang sơ, trong veo trong hơi thở của đất trời đã từng tạo ra chúng.
Xanh cũng là chốn đã có tác động của con người nhưng vẫn được gìn giữ, bảo tồn thuận theo những giá trị tự nhiên…
Chưa thể gọi là xu hướng yêu chuộng khi tôi không bắt gặp nhiều người lữ hành thả hồn trong lòng những bãi biển vắng người, các khu rừng tịch liêu, vài sa mạc chết chóc tưởng chừng như không có sự sống…
Những năm gần đây du lịch xanh đang trở mình thành “món ăn lạ” trong những nẻo đường rong chơi.
Đứng trước trước cơn bão kinh tế toàn cầu hóa dân số thế giới trở nên đông đúc. Phần lớn người lữ hành tìm đến hình thức du lịch xanh đến từ các quốc gia Bắc Âu, Bắc Mỹ, Úc và New Zealand.
Ở nơi đó không nhiều rác thải, ô nhiễm môi trường vì khói bụi công nghiệp và nguồn nước. Tiếng ồn từ âm thanh cuộc sống, sự thay đổi cảnh quan và môi trường sống của các loài sinh vật khi bà mẹ thiên nhiên nỗi giận vô cớ…
Có cô đơn trong sự tĩnh mịch?!
Tết Nguyên đán năm 2012, tôi thử trải nghiệm hình thức du lịch xanh đầu tiên bằng việc mua tour một ngày để leo một chặng núi Kilimanjaro cao 5.895 m ở Tanzania.
Tôi khá ngạc nhiên khi anh hướng dẫn chuẩn bị sẵn cho tôi một vài túi nylon nhỏ để bỏ rác thải trên đường đi khi ăn dặm chống đói.
Tôi chợt hiểu rằng trong du lịch xanh còn có cả du lịch trách nhiệm.
Hòn đảo Dominica được lá phổi xanh bảo vệ. Ảnh: NGUYỄN CHÍ LINH
Trên đường đi, gặp một vài loại hoa rừng lạ, ngào ngạt hương mà tôi định hái. Và như đi guốc trong bụng, anh hướng dẫn nhẹ nhàng: yêu rừng nhưng chúng ta cần phải bảo vệ chúng!
Sau chuyến đi đó, ít nhất trong tôi có được chút ít kỹ năng sinh tồn khi đi rừng, leo núi. Đám phổi xanh hoang dại có một sức hút rất lạ mà không thể giải thích lý do.
Năm 2015, tôi quyết tâm thực hiện hành trình du lịch xanh “trọn vẹn” hơn bằng việc tìm đến hòn đảo Madagasca dù giá vé máy bay chẳng dễ chịu chút nào.
Những vùng đất còn giữ được giá trị tự nhiên lớn luôn được người lữ hành ví von là “ốc đảo cô đơn” mang nhiều ý nghĩa khác nhau.
Cô đơn khi nơi ấy không nhiều du khách để chia sẻ sự đồng cảm, hỏi thăm đường đi nước bước tiếp theo của hành trình và trong rừng sâu núi thẳm không có những cảnh quan đẹp như ước muốn khi đưa bức ảnh lên mạng xã hội khoe với bạn bè.
Có vẻ như chán, không nhiều hào hứng khi nghĩ về “du lịch xanh” ở một nơi sâu hút mà chẳng ai biết đến và cả Internet, điện đóm khá chập chờn!
Những ngày ở Madagasca tôi không cô đơn bởi cuộc sống vốn ồn ào, phức tạp. Đôi lúc tôi rất cần những khoảng lặng giữa thiên nhiên hoang dã để chiêm nghiệm về bản thân và cuộc đời.
Những bãi biển Caribe hoang sơ. Ảnh: NGUYỄN CHÍ LINH
Một ai đó đã nói, đi tìm sự bình yên cũng chính là tìm lại bản thân mình. Tôi cũng chẳng buồn, thất vọng khi những tấm ảnh chụp được không lộng lẫy bởi sự đa dạng sinh tầng động thực vật ở Madagasca mà các nhà khoa học gọi là “lục địa thứ 8” đã làm tôi thích thú.
Kinh nghiệm dân gian từ người xưa cứ sống động mồn một rong ánh mắt khi đàn châu chấu, cào cào di chuyển loạn cả bầu trời và cả đàn chuồn chuồn đông đúc bay thấp bay cao báo hiệu cơn mưa lớn đi kèm với sấm sét và giông tố sắp đi ngang qua.
Đi vào rừng Madagascar, tôi được ngắm nhìn những con Lemur quý hiếm, chim chóc nhiều sắc màu và cả những cây loài hoang dại chưa từng thấy trước đây mà các loại cây ấy được người bản địa sử dụng làm gia vị hay dược liệu.
Một ai đó từng nói với tôi: “Những gì Thượng đế sắp đặt và đưa vào nhân thế luôn hữu dụng và có chăng sự đa dạng của chúng quá lớn nên con người chưa thể nghiên cứu hết” rất còn đúng ở Madagascar.
Một ngày nào đó con người sẽ không còn tìm thấy hương vị ẩm thực của tự nhiên, câu nói cửa miệng của người lữ hành khiến tôi vội vã tìm đến các quốc gia Nam Đảo vào năm 2017.
Tôi sống trong những ngôi nhà sàn đặc trưng của người Fuji, Samoa, hòa mình trong sinh hoạt truyền thống, tắm ở bãi biển hoang sơ và thưởng thức các rau củ, quả chưa từng dính đến các hóa chất nông nghiệp.
Một hương vị rất thực vật gây đê mê đầu lưỡi khi cuốn chúng qua đầu lưỡi, cũng như người Nam Đảo tự hào và luôn hỏi tôi về độ ngọt sản phẩm sinh trưởng trong tự nhiên.
Trong trái tim những người làm du lịch xanh
Khám phá một quốc gia nào đó, tôi thích bước chân mình rong chơi bằng phương tiện giao thông công cộng. Bởi nghĩ rằng tôi phải có trách nhiệm hạn chế gây ô nhiễm nếu sử dụng phương tiện giao thông cá nhân xì xục thả khói vào môi trường.
Khi thực hiện hành trình năm 2019, tất cả siêu thị các quốc gia thuộc khu vực Caribe gây trong tôi sự ngạc nhiên.
Những ruộng muối hoang sơ trong lòng sa mạc Chile. Ảnh: NGUYỄN CHÍ LINH
Trả tiền bao nylon đựng hàng hóa nếu có nhu cầu và hành động đó luôn được các anh chị nhân viên giải thích: nhắc nhở khách hàng bảo vệ môi trường sống trước sự tấn công rác thải. Tôi đã chuẩn bị sẵn cho mình một túi vải nhỏ mỗi khi chuẩn bị bước đến siêu thị.
Quốc gia Dominica mang sắc thái khác hẳn các hòn đảo Caribe tôi đã đi qua bởi màu xanh của rừng ôm trọn hòn đảo vào lòng.
Tôi trọ qua đêm trong nhà nghỉ của anh Robert, một người Mỹ trẻ tuổi, yêu màu xanh của hòn đảo nên quyết định đến đây lập nghiệp bằng hình thức du lịch xanh. Đôi ngày ở Dominica, tôi thấm thía hơn lời tâm sự của anh Robert: tiền ai mà chẳng mê, chẳng cần nhưng kinh doanh du lịch cần có một chữ tâm.
Lời nói của anh đi đôi với hành động khi giúp tôi trở về sự hoang sơ, hòa nhập vào lối sống người bản địa. Tôi khám phá trọn vẹn những điểm đến ấn tượng giữa thiên nhiên màu xanh với cái giá chẳng đắt đỏ như các hòn đảo khác.
Cứ men theo những chỉ dẫn của anh để tiết kiệm túi tiền, đôi lúc tôi phải thốt lên: dường như màu xanh của Dominica chính là cuộc sống thường nhật của anh Robert. Anh hiểu rõ từng ngóc ngách của những khu rừng già và các bãi lặn tịch u.
Không chỉ có anh Robert, mà khi đi trong lòng sa mạc Acatama và thế giới mới Patagonia của Chile, tôi còn gặp được anh Matias người Uruguay và anh Fischer người Đức lập nghiệp trên xứ người với những trái tim xanh.
Không chỉ là giá cả hợp lý trong nhà nghỉ truyền thống, các anh còn giúp tôi hiểu được người Inca đã tồn vong như thế nào trong sa mạc và văn hóa của người Đức đã ảnh hưởng sâu đậm như thế nào khi đoàn người thẳng tiến về Patagonia của Chile.