Nếu như ngày thường, trên núi Bà Đen người ta chỉ bán toàn những loại quà lưu niệm thông thường như móc khóa, đá bình an, đồ trang sức... thì vào dịp lễ hội, du khách khá thích thú khi tận mắt chứng kiến các nghệ nhân trổ tài làm quà lưu niệm tại chỗ. Đó là những bức họa chân dung bằng chì hay bức thư pháp phượng múa rồng bay, tranh ghép chữ gỗ chan chứa tình cảm đôi lứa...
Với những ai đã quen thuộc với MC Phan Anh hay tổng thống Mỹ Obama, danh hài Hoài Linh trên truyền hình, có lẽ sẽ dễ bị giật mình khi bắt gặp những bức vẽ bằng chì phác họa được cá tính nhân vật mình yêu mến đầy sống động tại góc nhỏ của ông Hoàng Việt Hưng trên đường ngang chùa Trung.
Ông Hưng đang trổ tài vẽ chân dung cho một thanh niên đi lễ chùa Bà
“Chú vẽ y sì luôn hay thiệt đó! Chú làm họa sĩ được bao lâu rồi chú? Chú tốt nghiệp trường mỹ thuật hả chú?”, một du khách vừa xem ông Hưng vẽ vừa trầm trồ trước khả năng của ông. Nghe vậy, ông Hưng chỉ cười cười giãi bày: “Chú không phải là họa sĩ gì đâu, chỉ là đam mê vẽ nên mày mò tự học rồi tự tin chút thì ra đường vẽ thôi”.
Ông Hưng tâm sự, để "nuôi" được nghề vẽ, ông phải làm đủ thứ việc, từ vẽ quảng cáo đến chạy xe ôm, dạy kèm đàn organ. Tuy cuộc sống còn chật vật khi phải thuê nhà trọ ở tận Hóc Môn (TP.HCM) nhưng ông vẫn cảm thấy vui vì được theo đuổi niềm đam mê.
Thông thường, nếu có thời gian rảnh, ông Hưng sẽ xách đồ nghề chạy xuống bên hông nhà thờ Đức Bà (quận 1, TP.HCM) để vẽ cho những khách yêu thích nghệ thuật vẽ chân dung. Vào mùa lễ hội, ông chọn núi Bà Đen để vừa cảm nhận không khí vui tươi đầu năm, vừa phục vụ du khách thập phương. Ông chia sẻ đây cũng là cơ hội để ông trải nghiệm cuộc sống và nâng cao thêm tay nghề.
Cạnh cái góc nhỏ của ông Hưng là gian hàng của ông Bình Hòa, nghệ nhân vẽ tranh và viết thư pháp ở khu du lịch Bình Mỹ (Bình Dương). Lúc rảnh rỗi, không có khách, ông Bình Hòa thường tranh thủ viết sẵn những câu chúc với lời hay ý đẹp để khách ghé thì sẵn tiện mua luôn, đỡ mất công chờ đợi. Ông Hòa kể, ba mùa lễ hội gần đây, năm nào ông cũng về chùa Bà Đen để vẽ. Bản thân ông cũng là một Phật tử nên về đây vẽ vừa là mong muốn đầu năm gieo duyên lành, vừa tranh thủ cải thiện thêm thu nhập.
Mỗi bức vẽ treo khung của ông Bình Hòa có giá 50.000 đồng được nhiều du khách hài lòng và hào hứng đặt vẽ mang về. Ông Hòa chia sẻ, các chữ “cha mẹ”, “hiếu”, “tâm”, “nhẫn”, “phúc”... luôn được đặt viết nhiều nhất. Mỗi người đi hành hương mùa lễ hội ngoài cầu mong những điều tốt cho bản thân còn luôn mong muốn hướng về nguồn cội, hướng tới sự thanh thản trong tâm hồn.
Ông Bình Hòa đang viết chữ thư pháp theo yêu cầu của một bạn trẻ
Đi lên khoảng mấy trăm thước nữa là gian hàng khắc gỗ của vợ chồng chị Võ Thị Son. Nhiều người ái ngại khi chị Son đang mang bầu mà phải ngồi gò lưng cưa tạo hình từng khung gỗ. Chị Son cho biết chồng chị cưa nhiều mệt quá nên đã ra võng ngủ, chị chỉ tranh thủ làm được chừng nào hay chừng đó.
Chị Son tranh thủ khắc gỗ cho khách trong lúc chồng chị đang ngủ trên võng gần đó
“Nghề này chỉ bán được nhiều hàng vào tháng Giêng hoặc rằm tháng 8 nên cố gắng làm. Cưa gỗ thỉnh thoảng cũng bị đứt tay do lưỡi cưa đi chệch, hoặc nguy hiểm hơn là búng vào mặt. Xung quanh người ta bán sáng đêm nhưng hai vợ chồng tôi mệt nên làm đến 2 giờ sáng là nghỉ rồi. Ai có trại thì nghỉ lại còn tụi tôi thì thuê nhà nghỉ bên ngoài để nghỉ” - chị Son giãi bày.
Không khí lễ hội núi Bà Đen càng về khuya càng nhộn nhịp. Một nhóm bạn trẻ từng học ĐH Kiến trúc đến từ TP.HCM trổ tài vẽ ký họa cho một nhóm bạn gái trẻ xinh đẹp. Chỉ mất 15 phút, một bức vẽ đã hoàn thành. Cô gái vui vẻ vì có bức tranh trên gỗ để đời mà giá chỉ chừng 200.000 đồng.
Bạn Huy đang vẽ ký họa cho một bạn gái trẻ đi lễ chùa
“Vừa rồi, tụi em vẽ ở Hội hoa xuân Sài Gòn, mỗi bức vẽ trên gỗ lấy giá 300.000 đồng. Đến đây, thấy nhiều khách phương xa còn khó khăn nên tụi em bớt còn 200.000 đồng cho vui chứ giá cao quá sợ khách cũng xót tiền, không dám vẽ” - Huy chia sẻ. Cứ như thế, những nghệ sĩ này đã để lại nét đẹp trong mùa lễ hội núi Bà Đen đầu năm.