Bóng đá Việt Nam đang rất cần một giám đốc kỹ thuật để hoạch định chiến lược và phát triển đồng nhất một nền bóng đá. Vấn đề không phải là thầy Nhật hay Hàn Quốc hơn thầy châu Âu mà là sự am hiểu về một nền bóng đá cùng thể chất, ưu điểm con người Việt Nam để xác định một lối đi và kiên trì thực hiện.
Singapore từng mời hẳn một ban bệ của Đan Mạch, trao cho cựu tuyển thủ Đan Mạch Christian Poulsen làm giám đốc kỹ thuật nhưng chỉ được thời gian ngắn thì gãy hoàn toàn. Thái Lan từng mời các ông thầy nổi tiếng như Carvalho, Bryan Robson, Peter Withe nhưng tất cả đều lần lượt ra đi trong thất bại. Việt Nam cũng từng có giám đốc kỹ thuật Rainer Willfeld do Đức hỗ trợ nhưng những nhà làm bóng đá lại đặt ông ấy ở vai trò chuyên gia làm công tác tư liệu và giảng dạy các khóa HLV rồi quay phim làm tư liệu giúp HLV Calisto. Nói chung là việc thầy ngoại thích nghi với bóng đá của quốc gia cũng là một vấn đề, mà quốc gia đó sử dụng chất xám thầy ngoại như thế nào cũng là một vấn đề.
Bóng đá Việt Nam từng có giám đốc kỹ thuật giỏi người Đức là Rainer Willfeld nhưng lại sử dụng như thầy giáo và làm “camera man” nên không phát huy được chất xám của ông này. Ảnh: CTV
Lạ lùng là thành công nhất trong công tác giám đốc kỹ thuật ở các quốc gia Đông Nam Á lại chính là Thái Lan sau bao đời thầy ngoại đã dùng “hàng nội” qua việc mời ông Wittaya Laohakul vốn là cựu danh thủ Thái Lan ngồi vị trí đấy. Bắt tay vào việc, ông Wittaya Laohakul chia sẻ: “Trong vai trò của mình, tôi là người chịu trách nhiệm cách chơi của các đội tuyển quốc gia. Để có được điều đó là cả một chính sách đồng nhất phát triển bóng đá trẻ, phát triển đội ngũ HLV cũng như đánh giá và điều chỉnh giáo án huấn luyện của các đội tuyển. Chính tôi cũng là người tư vấn, đánh giá và can thiệp các trưởng đoàn bóng đá về những chương trình tập trung, tập huấn ở từng giai đoạn cụ thể… Hằng năm tôi cũng tổ chức cho giám đốc kỹ thuật và HLV trưởng các CLB Thái Lan và cả HLV trưởng các đội tuyển tham gia những khóa tập huấn để cùng xác định phương hướng thực hiện mang tính toàn quốc và được xem là bắt buộc…”.
Điều mà ông Wittaya Laohakul làm được cho bóng đá Thái Lan thì ở Việt Nam vẫn còn những va đập giữa CLB và đội tuyển theo kiểu “phá nhau” hoặc “phá bóng đá”. Cứ nhìn nhiều CLB Việt Nam đổ tiền thuê hai tiền đạo ngoại rồi trung thành với lối đá cứ phát bóng dài lên cho các tiền đạo ngoại cao, to, tì, đè, tranh chấp tốt rồi ghi bàn. Điều này các nhà chuyên môn của Việt Nam ai cũng thấy, cũng lo lắng nhưng không biết khắc phục làm tổn hại cả nền bóng đá. Thế nhưng từ ban bóng đá chuyên nghiệp đến ban các đội tuyển rồi VPF và cao nhất là VFF cứ chấp nhận với việc “phá bóng đá” đó.
Bóng đá Việt Nam trước khi “săn” giám đốc kỹ thuật cần phải cải tổ về ý thức và phương thức nhắm đến cái đích lớn nhất là sự phát triển của một nền bóng đá.