Bàng quang tăng hoạt là một bệnh lý thường gặp về đường tiết niệu với các triệu chứng như tiểu gấp, tiểu nhiều lần, tiểu không kiểm soát, tiểu đêm sau khi loại trừ các bệnh lý thực thể của bàng quang và đường tiểu dưới.
Bệnh chiếm tỉ lệ cao trong dân số, có thể gặp ở mọi độ tuổi. Tỉ lệ mắc ở nữ giới thường cao hơn so với nam giới, gây khó chịu thậm chí mặc cảm, tự ti trong công việc, sinh hoạt cho người bệnh.
Đến nay, y học vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân gây ra bàng quang tăng hoạt.
Người bệnh bàng quang tăng hoạt thường tiểu gấp (đột nhiên có cảm giác rất muốn đi tiểu khó mà nhịn được), tiểu nhiều lần vào lúc thức (trên tám lần/ngày), tiểu đêm làm mất giấc ngủ (trên một lần/đêm), són tiểu gấp.
Một ca can thiệp bàng quang tăng hoạt cho bệnh nhân tại BV ĐH Y Dược. Ảnh: NP
PGS-TS-BS Nguyễn Văn Ân, Trưởng khoa Niệu học chức năng BV Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết có nhiều biện pháp điều trị hội chứng bàng quang tăng hoạt, bao gồm điều chỉnh chế độ sinh hoạt và cách ăn uống, dùng một số thuốc đặc trị như thuốc kháng muscarinic. Nếu không cải thiện triệu chứng, người bệnh có thể được xem xét thực hiện một số thủ thuật can thiệp tùy theo mức độ của bệnh.
Theo đó, người bệnh được tư vấn điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt như hạn chế thức ăn, thức uống gây kích thích bàng quang như đồ ăn cay nóng, nước có ga, cà phê, bia rượu…; uống lượng nước vừa đủ mỗi ngày, tập đi tiểu theo giờ…
Trong trường hợp nặng, người bệnh cần được điều trị phối hợp giữa điều chỉnh chế độ sinh hoạt, dùng thuốc kháng muscarinic. Nếu kháng thuốc, người bệnh cần được thực hiện các thủ thuật để nâng cao hiệu quả điều trị như tiêm botox vào bàng quang, đặt máy điều biến thần kinh cùng, kích thích thần kinh chày…
Gần đây, bệnh viện tiếp nhận người bệnh NTK (35 tuổi, Phú Yên) đi tiểu nhiều lần vào ban ngày, cứ khoảng 30 phút phải đi tiểu. Ban đêm, chị phải thức dậy 2-3 lần để đi tiểu. Chị được cho thuốc uống khi đi khám ở địa phương nhưng không hiệu quả.
Tại Khoa niệu học chức năng BV Đại học Y Dược, các bác sĩ đã theo dõi nhật ký bàng quang và phát hiện chị có thói quen uống nước quá nhiều vào cả buổi sáng và buổi tối. Do đó, chị K. được điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt, hạn chế lại thói quen uống nước quá nhiều kết hợp điều trị bằng thuốc kháng muscarinic.
Sau hai tuần điều trị, các triệu chứng bàng quang tăng hoạt của chị K. giảm tới 70%.
PGS Nguyễn Văn Ân khuyến cáo người có các triệu chứng của bàng quang tăng hoạt không nên tự ý dùng thuốc mà nên đến các cơ sở chuyên khoa để được bác sĩ khám và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp. Đối với các triệu chứng của bàng quang tăng hoạt, việc điều chỉnh chế độ sinh hoạt rất quan trọng, có thể làm giảm tới 50% các triệu chứng của bệnh.
Nhiều trường hợp các triệu chứng tái phát do không duy trì chế độ sinh hoạt phù hợp hoặc tự ý ngưng thuốc khiến việc điều trị kéo dài.