Đi tìm nguồn gốc tội ác: Đằng sau tội ác là... tội tình

Hiện tượng phạm tội và tội ác xã hội vẫn được báo chí, truyền hình phản ánh hàng ngày và nó xảy ra khắp nơi trên thế giới. Thế nhưng theo các nhà tội phạm học ĐH Montréal, sự hiểu biết của xã hội nói chung vẫn chỉ mang tính “giai thoại”. Bản chất thật sự của tội phạm là gì? Kẻ phạm tội là ai? Đâu là nguyên nhân, làm sao dự báo? Biện pháp an ninh, pháp lý và các bản án nghiêm khắc trong việc chống tội phạm có hiệu quả đến đâu?

Chúng tôi xin giới thiệu tiếp một góc nhìn sâu hơn của những chuyên gia pháp lý để soi sáng phần nào bản chất ý thức và tâm lý của kẻ phạm tội.

Hậu quả của tội ác bột phát đôi khi còn nặng nề và tác động tới xã hội xấu hơn tội phạm có tổ chức. Nhận định này được sự đồng tình của khá nhiều chuyên gia luật, xã hội học.

Nhưng đằng sau những nguyên nhân đã được lý giải qua các bản án, ít ai biết đến sự tồn tại của những dạng diễn biến tâm lý tội phạm khá phức tạp.

Đối mặt với ngõ cụt, đường cùng

Luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn luật sư TP.HCM) kể về một bị cáo có hoàn cảnh rất ngặt nghèo nhưng ý thức về sự sống cứ làm ông ray rứt mãi. Đầu năm 2001, một bị cáo tên Nguyễn Nhân Ái bị khởi tố về hai tội nghiêm trọng là giết người và cướp tài sản khi bị cáo này giết một người để cướp một chiếc xe máy trị giá hơn bốn triệu đồng ở chợ Phú Nhuận (TP.HCM).

Nghe qua nội dung vụ án ai cũng nổi gai ốc, ghê tởm vì hành vi quá tàn bạo. Thế nhưng sau nhiều lần tiếp xúc với bị cáo trong trại giam, luật sư Ly Tao đã phát hiện ra nhiều tội tình éo le và tâm lý đường cùng đằng sau tội ác.

Ái vốn là người nhiễm HIV, bị gia đình ruồng rẫy, mọi người xa lánh nên luôn có cảm giác bơ vơ, bất mãn trong cuộc sống. Thế là trong một lần uống rượu say, bị bạn bè xấu xúi giục vài câu, thế là Ái xách dao đi giết người cướp của.

Bị bắt giam, sức khỏe đuối dần vì bệnh HIV đã chuyển sang giai đoạn cuối nhưng trong trại Ái luôn đau khổ, dằn vặt và hối hận vì việc làm của mình một cách rất thật...

“Ái khóc suốt những ngày cuối đời khi biết mình khó thoát án tử hình, tội nghiệp lắm! Tôi có cảm giác chính lúc ấy bị cáo này khao khát được sống hơn bao giờ hết dù biết chắc chắn mình cũng sẽ chết vì HIV” - luật sư Ly Tao nhớ lại.

Theo nhiều luật sư mà chúng tôi gặp, loại người như Ái thường dễ rơi vào đường cùng, ngõ cụt bởi những bức bối mặc cảm trong cuộc sống. Nhưng môi trường xã hội, hoàn cảnh sống đôi khi không giúp họ tự giải thoát. Họ luôn có trạng thái tâm lý bên trong không ổn định nên muốn phá vỡ thế bế tắc của mình bằng một hành vi lệch chuẩn bị pháp luật cấm và phó mặc hậu quả.

Một số khác thì không có sự điều hòa về tâm sinh lý. Đặc biệt, tâm lý ấy mà bị kích thích thêm thì càng nguy hiểm. Vì thế xã hội nên cân bằng họ bằng những việc làm cụ thể chứ không đơn thuần là tuyên tuyền hình thức như hiện nay.

Không biết dừng lại

Vấn đề đang nổi lên là nhiều băng nhóm tội phạm có tổ chức và hoạt động công khai, có hành vi hết sức nguy hiểm như dùng ôtô chở các đối tượng dàn trận đánh nhau, dùng “hàng nóng” đuổi bắn nhau trên đường phố hoặc thanh toán nhau mang màu sắc “xã hội đen”.

(Nguồn: Tổng cục Cảnh sát)

Tội phạm vị thành niên gia tăng: Tính riêng năm 2007 và những tháng đầu năm 2008, số trẻ em dưới 16 tuổi phạm tội lên tới 7.000 vụ vi phạm, trong đó các tội như cướp của, giết người, vận chuyển ma túy chiếm đến 70% kẻ phạm tội chưa thành niên.

(Nhân Dân 14-12-2008)

Về lý luận, luật sư Trịnh Thanh (Văn phòng luật sư Người Nghèo) đề cập đến hai khía cạnh của người phạm tội bột phát là cơ chế tâm lý và bản chất tâm lý.

Theo ông Thanh, cơ chế tâm lý của người phạm tội là do vi phạm những chuẩn mực về hành vi ứng xử xét ở mọi khía cạnh. Lúc đầu chỉ là một va chạm nhỏ nhưng người ta không biết dừng lại mà cứ để cho mâu thuẫn đó lớn dần tới một đỉnh điểm thì tất yếu sẽ thành tội phạm.

Còn bản chất tâm lý biểu hiện là những ngộ nhận về hành vi, vi phạm từ chuẩn mực này đến chuẩn mực khác. Bởi trong suy nghĩ lúc thực hiện tội ác, người phạm tội cứ nghĩ đối phương ứng xử với mình như thế thì mình phải có hành động tương xứng mới tạo cân bằng. Cứ như vậy, hai bên đẩy cao hành động đến mức cao nhất và vượt quá giới hạn cho phép lúc nào không hay, thế là thành tội phạm.

Minh chứng cho quan điểm của mình, luật sư Thanh nhớ lại có lần bào chữa cho một cô gái tật nguyền phạm tội giết người vì tạt axit làm chết người tình. Ông phân tích, lúc thực hiện tội phạm đã có một chuỗi hành vi từ suy nghĩ đến đi mua axit, hẹn gặp, nói chuyện, tạt axit và hối hận. Trước mỗi hành động, cô gái đắn đo rất nhiều. Có lần ông hỏi thì cô gái gạt nước mắt thú thật rằng nếu như cuộc nói chuyện hôm ấy tình cảm được hàn gắn thì đã không xảy ra chuyện. Ngay cả trong khi hắt ca axit cô cũng chỉ nghĩ là tạt một phần cho người bạn trai mang sẹo xấu đi để không còn ai thương yêu nữa.

Nông cạn và ức chế

Lý giải cho nhận định này, luật sư Nguyễn Văn Hoàng (Đoàn luật sư tỉnh Vĩnh Long) kể về một số vụ ông đã tham gia bào chữa cùng hành vi giết người có tính chất bột phát nhưng mang hình thái tâm lý khác nhau.

Vụ thứ nhất, bị cáo là khách lên xe khách dọc đường trên quốc lộ 1 thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Xe hết ghế ngồi nên bị cáo đã giành chỗ ngồi với một người khách khác. Cuối cùng, bị cáo vớ con dao của người bán trái cây cạnh đó đâm nhiều nhát khiến người bị hại chết. Luật sư Hoàng nhận xét: “Khi tiếp xúc, tôi cảm nhận được bị can này chỉ nhất thời phạm tội. Nhưng cái bột phát ở đây mang tâm lý muốn làm anh làm chị, muốn ai cũng phải phục tùng mình mà bất chấp hậu quả của hành động”.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hoàng, có một dạng bột phát khác nhưng là do bị bức bối về tâm lý, do bị dồn nén từ lâu và suy nghĩ tiêu cực luôn âm ỉ. Ông dẫn chứng một vụ vì ghen tuông vớ vẩn mà hậu quả dẫn đến chết người. Số là từ lâu bị cáo đã nghe hàng xóm rỉ tai là vợ mình đang quan hệ bất chính với một người cùng xóm. Bữa đó, hai vợ chồng cùng đi làm rẫy về thì bất ngờ chạm trán người đàn ông kia. Lời qua tiếng lại một hồi, người chồng rút cây rựa chém chết ông hàng xóm để chứng tỏ nghi ngờ của mình là đúng.

Quá trình điều tra thể hiện quan hệ dan díu đó không có thật nhưng hậu quả từ đó đã khiến một người chết. Tuy nhiên, qua nhiều lần tiếp xúc trong trại giam mới phát hiện ra rằng bản thân người chồng không có chứng cứ nhưng đi đâu cũng bị trêu ghẹo là đồ bị “cắm sừng”, bị “xỏ mũi” nên đâm bực bội, nghi ngờ. Theo ông Hoàng, tâm lý ấy dồn nén lâu ngày sẽ thành ức chế mà phạm tội.

Ca axit cân bằng tâm lý!

Luật sư Trịnh Thanh (Văn phòng luật sư Người Nghèo) kể: Họ đã có một tình yêu đẹp khi người bạn trai chấp nhận khuyết tật của cô gái và sống chung với nhau như vợ chồng một thời gian dài. Rồi một ngày, người bạn trai bỏ đi và có ý cắt đứt quan hệ tình cảm. Sau nhiều lần gọi điện thoại, nhắn tin hẹn gặp để níu kéo tình cảm không thành, cô gái đã đi mua một ca axit, tạt hết vào người bạn trai sau một cuộc nói chuyện để phải lãnh án 10 năm tù.

Thế nhưng trong những lần tiếp xúc với cô gái, tôi biết được đó là một tâm lý tủi thân, cảm giác bị hắt hủi sau khi bị từ chối tình yêu.

Khi bị từ chối thì trong lòng hụt hẫng và đó là nguyên nhân sâu xa của hành động chứ không chỉ đơn thuần là cảm giác tàn ác, ti tiện như khi chỉ tiếp cận nội dung vụ án. Nhiều lần luật sư trò chuyện nhưng không phải để tìm hiểu vụ án mà chỉ để cho cô gái quên đi ý định quyên sinh.

Bất đồng xưng hô

Khoảng 19 giờ ngày 22-3-2009, Vũ Hữu Linh, Trần Văn Dương cùng ngồi uống rượu tại khu vực đất rẫy 61 ha thuộc địa phận thôn 1, xã Suối Kiết, huyện Tánh Linh, Bình Thuận. Đến 21 giờ cùng ngày, Linh và Dương qua rẫy khác cùng thôn để chơi thì gặp anh Võ Văn Xá. Dù nhỏ tuổi hơn Linh nhưng Dương xưng hô ngang hàng với Linh. Thấy vậy, anh Xá hỏi Dương: “Tại sao lại gọi Linh bằng “mày, tao”?”. Dương trả lời: “Tôi gọi bằng anh hay thằng thì kệ tôi! Khi nào tôi gọi anh bằng thằng Xá thì mới là nói bậy”. Cả hai xông vào đánh nhau, Dương dùng dao tự tạo đâm anh Xá một nhát trúng vào nách phải. Vết thương quá nặng nên nạn nhân đã chết trên đường đi cấp cứu.

Cãi nhau, học sinh lớp 7 đánh chết bạn

Ngày 23-4, trong giờ ra chơi tại Trường THCS Tân Tiến (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM), em VTTO và em TTT đều học chung lớp 7A4 đã xảy ra mâu thuẫn. Sau một lúc cãi vã, hai bên đánh nhau và kết quả là em O. bất tỉnh. Nhà trường lập tức đưa O. đi cấp cứu nhưng không qua khỏi vì vết thương quá nặng. Vụ việc đang được công an điều tra làm rõ.

THANH TÙNG - PV tổng hợp

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm