Tối 29-10, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đồng Tháp long trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia – Địa điểm Tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh.
Dự lễ có ông Phạm Định Phong - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL); các đồng chí nguyên lãnh đạo Trung ương, nguyên lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh và các cán bộ, quân nhân và đại diện gia đình cán bộ, quân nhân là nhân chứng lịch sử đã tham gia trực tiếp sự kiện Tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh.
Tượng đài tưởng niệm sự kiện Tập kết năm 1954 được xây dựng trên khuôn viên 12.000m2, tại Bến Bắc Cao Lãnh, phường 6, thành phố Cao Lãnh. Đây cũng chính là địa điểm diễn ra sự kiện Tập kết năm 1954.
Theo Hiệp định đình chiến ở Việt Nam, cùng với hai tỉnh khác ở khu vực Nam Bộ và Nam Trung Bộ là Bình Thuận và Cà Mau, thị trấn Cao Lãnh, tỉnh Long Châu Sa (tức TP Cao Lãnh ngày nay) được chọn làm điểm tập kết chuyển quân ra Bắc trong 100 ngày của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Tại thời điểm đó, tỉnh Long Châu Sa đã đón tiếp và đưa tiễn 13.508 cán bộ, chiến sĩ và con em miền nam từ các tỉnh Mỹ-Tân-Gò, Long Châu Sa, Gia-Định-Ninh, Phân Liên Khu miền Đông và quân tình nguyện Cao Miên xuống tàu tập kết ra bắc.
Hơn 69 năm trôi qua, sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh vẫn còn nguyên giá trị lịch sử. Bài học về tinh thần đoàn kết dân tộc, về ý chí quyết tâm, thống nhất của quân dân ta, ra đi vì nghĩa lớn, vì sự nghiệp cách mạng cao cả vẫn luôn sáng ngời
Để ghi nhớ sự kiện này, tỉnh Đồng Tháp cùng các tỉnh, thành phố có cán bộ, chiến sĩ và con em miền nam tập kết tại Cao Lãnh năm 1954, gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, An Giang, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Tây Ninh tiến hành xây dựng công trình Tượng đài tập kết năm 1954 tại Cao Lãnh.
Địa điểm tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh có ý nghĩa lịch sử, chính trị, văn hóa to lớn, là “Địa chỉ đỏ” góp phần giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Tháp Phan Văn Thắng đề nghị lãnh đạo thành phố Cao Lãnh phối hợp với các đơn vị liên quan bảo quản, giữ gìn và phát huy giá trị di tích; tổ chức đa dạng các hoạt động nhằm giáo dục truyền thống yêu nước và gắn với phát triển du lịch, tạo dựng hình ảnh địa phương, đưa di tích trở thành điểm đến của nhân dân, du khách trong và ngoài nước.
Đồng thời các đơn vị, địa phương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ tập kết, thân nhân của các bộ tập kết được chăm sóc về y tế, giáo dục, cơ hội việc làm, nguồn vốn và phương tiện sản xuất để đời sống được tốt hơn. Đó vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa cử nhân văn, thể hiện đạo lý truyền thống của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, vừa góp phần xây dựng văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo.