Khó tiếp cận nguồn vốn từ tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) tìm cách huy động vốn bằng việc phát hành trái phiếu. Nhiều đơn vị chấp nhận đưa ra lãi suất cao để thu hút nhà đầu tư trong những tháng đầu năm 2020.
Nhiều đại gia địa ốc đua nhau tìm vốn
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI về tình hình quý I-2020, các DN BĐS đang gia tăng phát hành trái phiếu, sẵn sàng chấp nhận trả lãi cao cho nhà đầu tư.
Cụ thể, nhóm các DN BĐS dẫn đầu về khối lượng phát hành với tỉ lệ 49%. Đặc biệt, lãi suất phát hành bình quân trong quý là 10,77%/năm, tăng 43 điểm cơ bản so với bình quân năm 2019.
Trong quý I có 33 DN phát hành tổng cộng 23.200 tỉ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 18% tổng lượng phát hành cả năm 2019.
Nhiều đại gia trong lĩnh vực đã phát hành trái phiếu giá trị hàng ngàn tỉ đồng thành công với lãi suất hấp dẫn. Đơn cử như TNR Holdings với trên 5.300 tỉ đồng chia thành nhiều đợt phát hành, lãi suất bình quân 10,9%, kỳ hạn hơn bốn năm; Phú Mỹ Hưng với 900 tỉ đồng lãi suất 7,15%; Địa ốc Sông Tiên phát hành 600 tỉ đồng, lãi suất 11%...
Một số DN phát hành trái phiếu với lãi suất khá cao như Công ty BĐS Đông Dương với trị giá trái phiếu 1.200 tỉ đồng, lãi suất 12%, kỳ hạn bốn năm; Công ty City Garden với 1.598 tỉ đồng, lãi suất 13,3%, kỳ hạn bình quân hơn hai năm.
Theo đánh giá của SSI, trái phiếu trở nên hấp dẫn hơn vì lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng đang có xu hướng giảm. Mức chênh lệch lãi suất giữa trái phiếu và tiền gửi hiện tại lên tới 4%/năm đã kích thích nhà đầu tư tham gia sân chơi nhiều hơn.
Nhiều chuyên gia đánh giá trái phiếu BĐS sẽ còn tiếp tục nở rộ thời gian tới bởi lãi suất hấp dẫn, kỳ hạn trả lãi ngắn và nhu cầu phát hành vẫn ở mức cao.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng DN phát hành trái phiếu là điều đáng khuyến khích. Thay vì vay ngân hàng thì họ phát hành trái phiếu để huy động vốn. Trong năm nay sẽ có thêm nhiều DN phát hành trái phiếu với mức lãi cao để gia tăng tính hấp dẫn.
Trái phiếu của các DN BĐS đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Ảnh minh họa: QUANG HUY
Độ rủi ro vẫn ở mức cao
Độ rủi ro của các nhà đầu tư BĐS vẫn ở mức cao vì chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng thị trường đang lên xuống thất thường và chịu tác động lớn từ dịch COVID-19. Độ rủi ro cao nên trái phiếu BĐS cũng sẽ có lãi suất cao.
“Nhà đầu tư nào chỉ nhắm vào lãi suất cao mà mua trái phiếu, không phân tích độ rủi ro thì rất liều lĩnh. Tại thời điểm này, nhà đầu tư phải rất cẩn trọng với trái phiếu vì tất cả phân khúc thị trường đang bị ảnh hưởng, giao dịch trầm lắng. Nhà đầu tư cần xem xét kỹ báo cáo tài chính của các DN để tính toán, không nên chăm chăm vào lãi suất cao” - ông Hiếu khuyến cáo.
Tất cả việc phát hành trái phiếu DN phải thông qua Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ủy ban này sẽ có đầy đủ kỹ năng và công cụ để lựa chọn những nhà phát hành có khả năng trả nợ. Việc phát hành riêng lẻ rất rủi ro khi không thông qua hoặc thông qua ở mức độ chưa đầy đủ, không có sự kiểm soát của những cơ quan quản lý nhà nước. Như vậy nhà đầu tư sẽ phải chịu rủi ro rất lớn.
Bên cạnh đó, theo ông Hiếu, cần cho phép những tổ chức xếp hạng tín dụng độc lập đủ uy tín đánh giá, xếp hạng tín nhiệm cho các DN trước khi phát hành trái phiếu. Từ đó, xây dựng hệ thống chấm điểm tín dụng cho các DN theo chuẩn mực quốc tế. Chỉ có dựa trên những cơ sở độc lập, khách quan thì các nhà đầu tư mới có thể tránh rủi ro không đáng có.
Theo ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư BĐS Việt An Hòa, DN phát hành trái phiếu phải có sự chuẩn bị từ năm 2019, ít nhất trong 3-6 tháng. 2020 là một năm khó khăn vì ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh, buộc các DN phải đi trước một bước là phát hành trái phiếu để thu hút vốn phát triển dự án.
“Mức lãi suất 10%-13% là chấp nhận được, còn mức 14%-15% là cao. Để tránh rủi ro, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về uy tín, năng lực, khả năng tài chính của DN phát hành, đặc biệt là tính trung thực và minh bạch thông tin của họ. Thường xuyên bám sát, nắm bắt tình hình kinh doanh, sử dụng vốn của DN để ứng phó kịp thời khi có biến động” - ông Quang chia sẻ.
Nhà đầu tư cá nhân chi ngàn tỉ đồng mua trái phiếu BĐS Theo số liệu từ Công ty Chứng khoán SSI, trong quý I-2020, nhà đầu tư cá nhân mua tổng cộng 9.546 tỉ đồng trái phiếu DN. Trong đó, các cá nhân nước ngoài chỉ mua 9,6 tỉ đồng, còn lại là các cá nhân trong nước. Nhóm ngành được nhà đầu tư đổ tiền nhiều nhất là BĐS với số tiền 6.300 tỉ đồng. Hầu hết nhà đầu tư cá nhân trong nước là người mua trái phiếu BĐS. Tổng giá trị mua vào của nhà đầu tư cá nhân chiếm khoảng 25% tổng giá trị trái phiếu BĐS đã phát hành. |