Trong đó, DN BĐS phát hành gần 7.400 tỉ đồng, chiếm đến 55%. Đáng lưu ý là tỉ lệ nhà đầu tư cá nhân đã tăng lên rõ rệt, chiếm 17,6%.
Sự tăng trưởng phát hành trái phiếu trong số DN BĐS đã bắt đầu từ năm 2019 khi trong năm này các DN phát hành 106.500 tỉ đồng, kỳ hạn bình quân 3,7 năm; lãi suất bình quân 10,3%/năm. Một số DN mạnh dạn đưa ra mức lãi suất khá cao là 12%-14%/năm và cá biệt có Công ty HH lãi suất trái phiếu lên đến 20%/năm.
Đánh giá mặt tích cực, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết có đến 84,2% số DN phát hành trái phiếu có tổng giá trị trái phiếu dưới ba lần vốn chủ sở hữu, đảm bảo được yếu tố an toàn và hợp lý. Thị trường trái phiếu DN là một kênh huy động vốn quan trọng, thay thế một phần nguồn vốn tín dụng ngân hàng cho các dự án BĐS.
Các DN BĐS được bổ sung nguồn vốn đầu tư với cơ chế mềm hơn so với việc phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để được vay tín dụng ngân hàng. Khi đó, các ngân hàng thương mại cũng giảm được áp lực, hạn chế việc phải gánh vác cung ứng tín dụng trung, dài hạn cho các DN BĐS, giảm thiểu được rủi ro.
“Xu thế gia tăng các nhà đầu tư trái phiếu DN (cá nhân) là tín hiệu đáng mừng theo chủ trương về xã hội hóa đầu tư, huy động thêm được nguồn vốn nhàn rỗi rất lớn trong xã hội tham gia đầu tư, thay vì chỉ gửi tiết kiệm” - ông Châu nói.
Tuy nhiên, không phải DN nào phát hành trái phiếu cũng được đón nhận nồng nhiệt. Ông dẫn chứng trường hợp Công ty BĐS SB chào bán 150 tỉ đồng trái phiếu 24 tháng có lãi suất cao đến 18%/năm nhưng không có nhà đầu tư mua. Điều này cho thấy các nhà đầu tư trái phiếu cũng đã thể hiện năng lực và trình độ đánh giá, lựa chọn danh mục đầu tư khả thi để tránh rủi ro cho mình.
Ông Châu cũng thừa nhận thị trường trái phiếu DN chưa thật sự đảm bảo tính minh bạch; chưa có đầy đủ cơ chế kiểm soát hiệu quả việc phát hành và giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ. Ngoài ra, lĩnh vực này chưa có nhiều đơn vị tư vấn có năng lực để thực hiện đánh giá chỉ số tín nhiệm của DN phát hành trái phiếu, đánh giá tính khả thi của phương án phát hành trái phiếu.
Vấn đề cần quan tâm là có một số DN chưa đảm bảo yếu tố minh bạch, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm cung cấp thông tin, không làm rõ mục đích sử dụng vốn trái phiếu và phương án trả nợ gốc, trả lãi nên có tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân.
Vì vậy, HoREA nhận thấy Chính phủ cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện Nghị định 163/2018 để tạo hành lang pháp lý phát triển thị trường trái phiếu DN minh bạch, lành mạnh. Mục đích là để kênh trái phiếu vừa trở thành một trong những nguồn cung ứng vốn đầu tư trung, dài hạn cho DN, vừa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư.