Mới đây, Sở NN&PTNT TP.HCM đã có tờ trình về quy định tạm thời quản lý nuôi chó, mèo gửi UBND TP. Theo đó, người dân muốn nuôi chó, mèo phải đăng ký, khai báo định kỳ với UBND cấp xã.
Đồng thời, sở này cũng khuyến khích chủ nuôi gắn microchip trên chó, mèo nhằm quản lý các thông tin liên quan đến chó, mèo nuôi ở mức độ cá thể. Ngoài ra, chủ nuôi phải kê khai định kỳ hai lần/năm, kê khai đột xuất trong thời hạn ba ngày kể từ khi nhập về nuôi mới hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Nên chế tài mạnh để chủ nuôi có trách nhiệm hơn
Chị Nguyễn Thị Linh (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết trước nhà chị có một hộ dân nuôi hơn 20 con gà đá. Các hộ dân xung quanh khổ sở vì tiếng gà gáy từ ngày này qua ngày khác và mùi hôi từ phân gà. Chưa hết, lâu lâu chủ nhà lại đem gà ra hẻm đá, rất ồn ào.
“Sáng nào cũng nghe tiếng gà gáy inh ỏi, ảnh hưởng đến giấc ngủ của những người xung quanh. Mùi phân gà thì hôi nguyên con hẻm. Mỗi lần hộ này vệ sinh chuồng gà là xả nước ra đường, rất mất vệ sinh. Nhà tôi có con nhỏ nên rất sợ lây lan dịch bệnh, cúm gia cầm... Tôi có nghe tin TP.HCM có chủ trương siết chặt quản lý việc nuôi chó, mèo nên cũng mong muốn việc nuôi gà, vịt trong khu dân cư cũng được quản lý chặt” - chị Linh nói.
Chị Nguyễn Thanh Trang (ngụ xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM) cho biết chị và nhiều hộ dân xung quanh rất phiền lòng việc nuôi chó của một hộ dân ở đây. Hộ này nuôi nhiều chó, chó sủa cả ngày, có khi thả chó ra đường không đeo rọ mõm, chó đuổi cắn người đi đường.
“Người dân cũng đã gửi đơn đến chính quyền nhưng chưa thấy giải quyết dứt điểm. Người dân rất mong TP sớm có văn bản quy định việc nuôi chó, mèo ở khu đô thị cũng như có biện pháp xử phạt, bắt giữ và thanh lý chó, mèo thả rông. Nhất là việc nuôi chó với số lượng lớn 10-20 con trở lên phải xa khu dân cư, nơi nuôi nhốt phải đảm bảo tiêu chuẩn về diện tích, hệ thống xả thải, ngăn ngừa mùi hôi…” - chị Trang nói.
Anh Đặng Anh Khoa (ngụ quận 3, TP.HCM) đang nuôi hai con chó cảnh tại nhà cho biết anh hoàn toàn đồng ý với những quy định trong tờ trình mới đây liên quan đến việc nuôi chó, mèo.
“Tôi thấy những nội dung nêu trong tờ trình rất hợp lý, có nhiều người nuôi chó, mèo nhưng bỏ qua các bước kiểm dịch, tiêm phòng. Việc này rất nguy hiểm, sẽ tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh ở cộng đồng. Nên có những quy định chế tài mạnh để chủ nuôi có trách nhiệm hơn. Bên cạnh đó, các thủ tục đăng ký, kê khai liên quan đến việc nuôi chó, mèo nên gọn lẹ hoặc đăng ký trực tuyến để tránh mất nhiều thời gian” - anh Khoa nói.
Có quy định cụ thể mới chế tài được chủ nuôi
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, cho biết: Hiện nay, theo quy định thì chi cục không tiếp quản việc bắt chó thả rông, mà do UBND phường, xã thực hiện theo quy định tại Thông tư 07/2016/BNNPTNT.
“Hiện chi cục đang phối hợp với UBND các quận, huyện tập huấn về chuyên môn để thành lập các đội bắt chó thả rông (đến nay đã thành lập được 59 đội/13 quận, huyện). Pháp luật đã có quy định về tiêm phòng, vật nuôi phải được đeo rọ mõm khi ra nơi công cộng... nhưng chưa cụ thể. Do đó, ngành nông nghiệp xin chủ trương quản lý chó, mèo ở đô thị để có các quy định cụ thể và chế tài với chủ nuôi không chấp hành pháp luật” - ông Thiết cho hay.
Cũng theo ông Thiết, bên cạnh những nỗ lực trên vẫn còn tồn tại một số khó khăn trong công tác quản lý, như việc triển khai của các địa phương về kê khai hoạt động chăn nuôi theo Thông tư 18/2023/TT-BNNPTNT. Đồng thời, ý thức chấp hành của người dân chưa cao nên gặp khó khăn trong công tác quản lý đàn vật nuôi nói chung và chó, mèo nói riêng.
Hiện chi cục đang thí điểm sổ tiêm phòng điện tử cho vật nuôi nhưng còn một số vướng mắc. Cụ thể, do chưa tương thích với phần mềm quản lý tiêm phòng, quản lý dịch bệnh của ngành thú y nên thời gian tới chi cục sẽ thực hiện đồng bộ, chia sẻ dữ liệu để thuận lợi cho công tác quản lý.
Cũng liên quan đến vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, cho biết việc đăng ký vật nuôi ở địa phương sẽ giúp UBND phường có cơ sở lập dữ liệu theo dõi số hộ dân đang nuôi vật nuôi trên địa bàn. Đồng thời có cơ sở để kiểm tra, xử lý khi có phản ánh về việc không quản lý vật nuôi, gây bức xúc cho người dân.
Bà Hằng cũng cho biết hiện việc đăng ký vật nuôi của hộ dân với chính quyền địa phương chưa thật sự đạt được hiệu quả cao do nhiều hộ dân chưa quan tâm đến trách nhiệm với vật nuôi. Đa số hộ dân trên địa bàn phường nuôi chó cỏ, mèo số lượng ít (một hoặc hai con) nên không đăng ký với chính quyền địa phương.•
Tăng cường tuyên truyền về quản lý vật nuôi
Để quản lý chặt chẽ việc nuôi chó, mèo trên địa bàn, UBND phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân sẽ lắp đặt hệ thống loa phát thanh tuyên truyền tại các trục đường chính, khu chợ tự phát tập trung đông dân.
Mục đích nhằm tuyên truyền phòng, chống bệnh dại, các quy định về quản lý chó, mèo và quy định về xử phạt vi phạm hành chính việc không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.
Đồng thời, UBND phường sẽ đưa tiêu chí việc thực hiện quản lý nuôi chó, mèo vào công tác đánh giá công nhận gia đình văn hóa, khu phố văn hóa để bình xét hằng năm.
Bà NGUYỄN THỊ THU HẰNG, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân