Địa phương làm tốt thì trung ương nên giao

“Việc gì địa phương làm tốt hơn, sát với thực tế hơn, bảo đảm lợi ích của dân hơn thì giao địa phương làm. Việc gì đã phân cấp cho địa phương thì trung ương chỉ ban hành chính sách, thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát, thanh tra công vụ”. Đó là kiến nghị của Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân về đề án Chính quyền đô thị (CQĐT) tại Hội thảo tổ chức CQĐT ở Việt Nam do báo Nhân Dân tổ chức sáng 13-9.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho hay Bộ Chính trị đã có ý kiến đồng ý tiến hành thí điểm mô hình CQĐT tại TP.HCM và TP Đà Nẵng. Bộ Nội vụ đưa ra ba phương án tổ chức CQĐT: Một là kế thừa kết quả thí điểm không tổ chức HĐND ở huyện, quận, phường; hai là mở rộng xã, thị trấn không tổ chức HĐND; ba là tổ chức theo mô hình thị trưởng. Tuy nhiên, phương án 3 không phù hợp với thể chế chính trị của Việt Nam. Qua xem xét hai phương án còn lại, Bộ thống nhất chọn phương án 1 và đã được Bộ Chính trị cho ý kiến.

Giới thiệu về mô hình CQĐT, Chủ tịch Lê Hoàng Quân cho biết CQĐT TP.HCM được tổ chức dựa trên nguyên tắc chính quyền địa phương có hai cấp: Cấp TP trực thuộc trung ương và cấp cơ sở. Cấp cơ sở bao gồm cấp TP trực thuộc TP.HCM và xã, thị trấn. Riêng địa bàn của 13 quận nội thành hiện hữu chỉ có một cấp chính quyền do đặc thù của địa bàn này có chung kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

“Mô hình tổ chức này chỉ phát huy hiệu quả khi cơ chế phân cấp và ủy quyền được đổi mới và thực hiện triệt để theo hướng tăng cường và nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương. Vì vậy, TP kiến nghị trung ương phân cấp cho TP thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tăng thẩm quyền tự chủ về ngân sách, tài chính công và tổ chức bộ máy, nhân sự. Trên cơ sở phân định về công vụ, nhiệm vụ thuộc cấp nào thì ngân sách cấp đó đài thọ. Địa chỉ trách nhiệm của mỗi cấp rõ ràng và những nội dung trên cần luật định trong Luật Chính quyền địa phương hoặc Luật Công vụ” - Chủ tịch Lê Hoàng Quân nhấn mạnh.

Theo GS-TS Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, sửa đổi Hiến pháp 1992 cần quy định nguyên tắc để làm cơ sở cho luật định rõ những công việc nào thuộc thẩm quyền của trung ương, do trung ương đảm nhiệm (quốc phòng, an ninh, ngoại giao); những công việc nào thuộc thẩm quyền của địa phương và những công việc nào thuộc thẩm quyền của cả trung ương lẫn địa phương. Đồng thời cần có cơ chế kiểm soát rõ ràng và bảo đảm một việc chỉ do một cơ quan hoặc cấp chính quyền chịu trách nhiệm chính.

T.HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm