Chiều tối 31-1, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (nCoV) đã họp triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp của dịch bệnh này.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, ngày 31-1 Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức tuyên bố dịch virus nCoV là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, vậy Việt Nam có cần công bố tương tự không?
Cuộc họp chính phủ chiều 31-1. Ảnh: Chinhphu.vn
Trao đổi về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Việc công bố tình trạng y tế khẩn cấp phải dựa trên các tiêu chí như: Số lượng người mắc, số lượng bệnh nhân tử vong, mức độ lan tràn của dịch bệnh, đã áp dụng các biện pháp nhưng chưa ngăn chặn được dịch bệnh…
Thực tế từ trước đến nay, WHO đã công bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu với 4 loại dịch bệnh, nhưng Việt Nam chưa lần nào công bố. Kể cả năm 2009 số lượng người mắc virus H5N1 ở Việt Nam lên tới gần 10.000 người, 22 ca tử vong.
GS.TS Nguyễn Thanh Long thông tin, đồng thời góp ý: “Chúng ta đã và đang triển khai các giải pháp phòng, chống còn mạnh hơn cả khuyến cáo của WHO. Do vậy cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến, đồng thời cần thống nhất các tiêu chí để tham mưu cho cấp có thẩm quyền công bố tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật vào đúng thời điểm”.
Cũng liên quan đến nội dung này, đại diện Bộ Ngoại giao cho biết thêm: Trung Quốc đang áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt để phòng chống dịch bệnh do chủng mới của virus Corona gây ra. Song hiện tại nước bạn cũng chưa công bố tình trạng y tế khẩn cấp.
Theo phó thủ tướng Vũ Đức Đam, dịch bệnh nCoV hiện đang diễn biến rất phức tạp. Việt Nam đã và đang triển khai các giải pháp phòng, chống còn mạnh hơn cả khuyến cáo của WHO. Do vậy cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến, đồng thời cần thống nhất các tiêu chí để tham mưu cho cấp có thẩm quyền công bố tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật vào đúng thời điểm.