Việt Nam chưa vội công bố tình trạng khẩn cấp virus Corona

Thủ tướng giao Bộ Y tế, Bộ Tư pháp chuẩn bị cơ sở pháp lý, thực tiễn để triển khai ngay công việc này khi tình huống khẩn cấp được Tổ chức Y tế thế giới công bố.

Đánh giá chung về kết quả công tác phòng chống dịch bệnh những ngày qua, người đứng đầu Chính phủ nói: “Nước ta có biên giới với Trung Quốc, tình hình dịch Corona đang diễn ra hết sức xấu và lan rộng nhưng tất cả chúng ta phải bĩnh tĩnh xử lý, với những biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn cho người dân. Tôi thấy các cấp, các ngành, nhất là các địa phương chưa có một tinh thần sẵn sàng cao.”

Hoàn thiện kịch bản ứng phó

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch Corona do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm trưởng ban nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy quyền hạn của Ban chỉ đạo để xử lý các vấn đề đặt ra. Đồng thời thường xuyên báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng để có biện pháp đồng bộ, quyết liệt, ngăn chặn có hiệu quả dịch Corona.

Ban chỉ đạo, Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ tiếp tục hoàn thiện kịch bản ứng phó với các phương án cụ thể.

Thủ tướng hoan nghênh Ban Chỉ đạo đã thành lập 45 đội phản ứng nhanh để xử lý tình hình khi cần thiết. Đặc biệt đã khởi động, kết nối 21 bệnh viện được huy động vào công tác tiếp nhận bệnh nhân nghi nhiễm virus Corona, tên đầy đủ là 2019 - nCoV. Thủ tướng cũng đánh giá cao Bộ Quốc phòng huy động các bệnh viện quân đội sẵn sàng tham gia khi tình huống xấu xảy ra.

Sẵn sàng sơ tán công dân Việt Nam khỏi Trung Quốc

Về các đề xuất từ Văn phòng Chính phủ tổng hợp gửi tới cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo cấm hẳn việc đi lại qua các đường mòn, lối mở; dừng việc người Việt Nam qua Trung Quốc lao động trong lúc có dịch.

“Bộ Ngoại giao sớm làm việc với Trung Quốc về việc sơ tán công dân Việt Nam khi cần thiết”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu theo dõi, giám sát các thành viên ở Trung Quốc về Việt Nam ăn tết và di chuyển. Ông lưu ý việc này xảy ra phổ biến ở vùng biên.

Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đang điều trị hai bệnh nhân người Việt đầu tiên dương tính virus nCoV.

“Tạm ngừng các hoạt động đưa tour tuyến du lịch qua lại. Ngừng cấp visa cho khách du lịch, không khuyến khích giao thương buôn bán qua lại cửa khẩu trong lúc này”, Thủ tướng nói.

Ông đề nghị chỉ cấp visa công vụ, đồng thời khuyến cáo các đoàn công tác sang Trung Quốc trong dịp này nếu không thực sự cần thiết thì hoãn, điều chỉnh kế hoạch.

Cạnh đó, các cơ quan chức năng Việt Nam cần có biện pháp kiểm soát y tế chặt chẽ tại các cửa khẩu. Lực lượng công an, quân đội, đặc biệt là ngành y tế cần kiểm soát chặt chẽ để hạn chế tối đa khách du lịch qua các cửa khẩu đến Việt Nam, kịp thời cách ly các trường hợp nhiễm bệnh.

Thủ tướng cũng đồng ý để các địa phương thành lập Ban Phòng, chống dịch do Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban, trên tinh thần chủ động, “4 tại chỗ”.

 Tại cuộc họp, Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết số lao động Việt Nam qua lại biên giới Trung Quốc khoảng 90.000 và ngược lại khoảng 29.000 lao động Trung Quốc làm việc ở Việt Nam. Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Khánh Hoá có nhiều lao động nước ngoài là người Trung Quốc nhưng chưa có báo cáo số lao động trở lại. 

Khuyến cáo đeo khẩu trang nơi đông người

Về một số vấn đề cụ thể khác, Thủ tướng yêu cầu “rất hạn chế” các lễ hội đông người, nhất là các lễ hội chưa khai mạc.

Học sinh chưa nghỉ học nhưng khuyến nghị đeo khẩu trang. Việc đeo khẩu trang trên cả nước chưa thực hiện ngay nhưng Chính phủ khuyến nghị đeo khẩu trang tại các địa điểm đông người.

Các cơ quan truyền thông phải coi đây là nhiệm vụ chính trị, tập trung làm tốt và hiệu quả hơn. Không để người dân hoang mang nhưng phải giúp người dân nhận thức đầy đủ về nguy cơ để tự phòng ngừa.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long cho biết chiều 30-1, WHO họp bàn cân nhắc có công bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu hay không. “Dù WHO có công bố hay không thì chúng ta cũng cần ứng phó như tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu”, ông Long góp ý.

Liên quan đến đề xuất đóng cửa biên giới, ông Long cho hay thực chất WHO không khuyến cáo đóng cửa biên giới. Tuy nhiên, Việt Nam có thể áp dụng các biện pháp mạnh như ngừng tiếp nhận hành khách du lịch, kể cả đơn lẻ vào; cấm đưa khách Việt Nam sang Trung Quốc; quản lý chặt, buộc cách ly với những người sang Trung Quốc rồi quay về…

Từng là Thứ trưởng Y tế, ông Long cho biết dịch do virus nCoV có thể kéo dài khoảng 2-3 tháng, lây qua ba đường chính: Qua không khí; khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh; tiếp xúc bề mặt ở nơi công cộng có chứa virus. Vì vậy, ngoài khuyến cáo đeo khẩu trang, cần lưu ý người dân thường xuyên rửa sạch tay bằng xà phòng.

Lo ngại hậu quả kinh tế

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng bày tỏ lo ngại về hậu quả kinh tế nếu phải dừng hoạt động thương mại qua biên giới song đồng ý kiểm soát chặt chẽ các hoạt động biên mậu. Ông cũng kiến nghị không tập trung đông người, hạn chế, thậm chí không tổ chức các lễ hội, hạn chế tối đa hội nghị đông người. Thời điểm cần thiết phải xem xét cho học sinh nghỉ học.

“Trên tinh thần Chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng, khi cần thiết đề nghị Thủ tướng giao các thành viên Chính phủ trực tiếp đi chỉ đạo ở các vùng được phân công”- Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng chưa nên đặt ra vấn đề đóng cửa biên giới ở thời điểm hiện tại nhưng đề nghị kiểm soát chặt du lịch đi qua đường biên, thậm chí dừng cấp giấy thông hành. Lý do là mỗi ngày có khoảng 30.000 người qua lại biên giới theo cách này. 

Kiến nghị tuyên bố tình trạng khẩn cấp dịch Corona
Kiến nghị tuyên bố tình trạng khẩn cấp dịch Corona
(PLO)- Hạn chế tập trung đông người, nhất là việc tổ chức lễ hội. Đối với các địa phương có nhiều du khách Trung Quốc phải dừng các lễ hội không cần thiết. Xem xét việc cho sinh viên, học sinh nghỉ học để giảm nguy cơ nhiễm dịch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm