Dịch COVID-19: Chặn mối nguy khai báo y tế gian dối

Mới đây, Sở Y tế TP.HCM ra văn bản yêu cầu bệnh viện (BV) cần có quy định để hạn chế thấp nhất trường hợp người bệnh có nguy cơ nhưng khai báo y tế không trung thực. Cụ thể quy định các bác sĩ (BS), điều dưỡng phải hỏi kỹ yếu tố dịch tễ khi tiếp nhận người bệnh lúc nhập khoa.

Từ văn bản của Sở Y tế TP.HCM, các BV triển khai thực hiện và đã thu được kết quả bước đầu mà điển hình là BV Ung bướu TP.HCM.

Vụ khai báo gian dối bị phát hiện sớm

Chiều 13-5, BS Nguyễn Quang Vinh, Khoa khám bệnh BV Ung bướu TP.HCM, cho biết ông là người trực tiếp khám cho ông VPC (63 tuổi).

Theo quy định, bệnh nhân phải khai báo y tế ngay cổng BV trước khi vào khám. Vào Khoa khám, bệnh nhân được nhận một sổ khám bệnh và tự tay điền những thông tin cá nhân. “Khi ông C. vào phòng khám, tôi xem sổ khám bệnh và phát hiện ông C. cư ngụ ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Trong khi địa phương này có một thôn (thôn Ván Ri, xã Húc - PV) mà người đến từ thôn này phải thực hiện cách ly tập trung khi vào TP.HCM theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP” - BS Vinh cho biết thêm.

Do ông C. ngụ tại huyện Hướng Hóa, Quảng Trị nên BS Vinh đưa ông C. vào diện nghi nhiễm COVID-19. BS Vinh đặt nhiều câu hỏi liên quan nơi ở, bệnh tình đang mắc nhưng ông C. trả lời vòng vo, giấu giếm. Cuối cùng, BS Vinh chuyển ông C. tới khu khám sàng lọc.

BS Đỗ Văn Liêm, Trưởng Khoa khám BV Ung bướu TP.HCM, cho biết các BS và điều dưỡng khu khám sàng lọc tiếp tục đặt những câu hỏi liên quan căn bệnh ung thư mà ông C. mắc phải. Do biết không thể tiếp tục giấu giếm, ông C. đưa ra một tờ giấy và thừa nhận đã đến BV K (Hà Nội) khám ung thư vòm hầu vào ngày 24-4, đúng thời điểm BV này phát hiện liên tiếp ca nhiễm.

“Do vậy, ông C. cùng vợ con được đưa tới khu cách ly của BV Ung bướu TP.HCM và lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2” - BS Liêm nói.

“Ông C. cho biết do BV K bị phong tỏa nên ông đã vào BV Ung bướu để khám và điều trị. Trước khi đến TP.HCM, ông C. có tới nhà người quen ở Bình Dương. Có lẽ vì thế nên lúc đầu ông C. đã khai báo trú ngụ ở Bình Dương” - BS Liêm nói thêm.

BS Nguyễn Quang Vinh đang khai thác yếu tố dịch tễ một bệnh nhân khám ung bướu. Ảnh: TRẦN NGỌC

Thủ tướng: “Không để nơi chống dịch mà bị dịch”

Chiều 13-5, đến BV ĐH Y Dược TP.HCM thăm và kiểm tra công tác khám chữa bệnh của BV trong tình hình dịch COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý: “BV không được để xảy ra tư tưởng lơ là, mất cảnh giác bởi bài học dịch COVID-19 tấn công vào các BV trong những đợt dịch trước và lần này hết sức phức tạp.

Bên cạnh cái tốt cần phát huy, BV cần xem xét khắc phục những khuyết điểm, thiếu sót, không để nơi chống dịch mà bị dịch, nhân dân không hài lòng”. 

Bệnh viện không có quyền từ chối nhận bệnh

PV đặt câu hỏi: “Sao BV không yêu cầu tất cả bệnh nhân phải trình CMND hoặc CCCD trước khi khai báo y tế để tránh tình trạng gian dối?”. BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, cho biết hiện không có quy định buộc người bệnh phải trình những giấy tờ nói trên. Hơn nữa, nếu CMND hoặc CCCD ghi bệnh nhân ngụ tỉnh A nhưng thực tế bệnh nhân đang tạm trú ở tỉnh có dịch bệnh COVID-19 và khi vào TP.HCM khai báo ở tỉnh A thì cũng mất tác dụng. “Vấn đề quan trọng là sự khai báo trung thực của bệnh nhân” - BS Tuấn nói.

BS Hồ Văn Hân, Phó Giám đốc BV Nhân dân Gia Định TP.HCM, cho biết BV này cũng như nhiều BV khác đã tiên lượng được tình trạng bệnh nhân đến từ địa phương có dịch COVID-19 nhưng khai báo y tế không trung thực khi vào BV ở TP.HCM khám và điều trị.

Do đó, theo BS Hân, BV đã đưa ra những giải pháp theo khuyến cáo của Sở Y tế TP.HCM. Khi vào cổng BV, người bệnh phải thực hiện khai báo y tế. Vào khoa khám, người bệnh được các BS và điều dưỡng khai thác thêm yếu tố dịch tễ. Khi chuyển tới các khoa điều trị nội trú, người bệnh một lần nữa được BS và điều dưỡng đặt những câu hỏi liên quan yếu tố dịch tễ. Những việc làm nói trên giúp BV phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ để nhanh chóng cách ly và điều trị.

“Có một điều người bệnh cần biết rằng cho dù người bệnh tới từ địa phương có dịch thì BV vẫn có trách nhiệm tiếp nhận và lên phương án khám, điều trị thật an toàn, tránh lây nhiễm người khác. Do vậy, BV rất mong người bệnh khai báo y tế trung thực” - BS Hân nói.

Đình chỉ phòng khám vì không tiếp nhận bệnh nhân COVID-19

Sáng 13-5, Bộ Y tế công bố hai ca bệnh số 3633 và 3634, là vợ chồng, ghi nhận tại TP Hà Nội. Đáng chú ý, tại lịch trình do CDC Hà Nội công bố, vào ngày 9-5, cặp vợ chồng di chuyển đến Phòng khám Thu Cúc. Tuy nhiên, trong quá trình khám sàng lọc, vợ chồng này khai vừa về từ Đà Nẵng nên không được tiếp nhận khám.

Việc làm này của Phòng khám Thu Cúc khiến nhiều người đặt ra câu hỏi liệu việc từ chối tiếp nhận đôi vợ chồng BN 3633 và 3644 của Phòng khám Thu Cúc đã đúng chưa.

Sáng cùng ngày, Phòng khám đa khoa Thu Cúc phát đi thông cáo báo chí khẳng định việc không tiếp nhận điều trị không xuất phát từ lý do hai bệnh nhân này có yếu tố dịch tễ.

Làm rõ vấn đề này, ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y, dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội, cho biết trong trường hợp trên, Phòng khám Thu Cúc đã phát hiện hai bệnh nhân có biểu hiện đau họng và chưa khai báo y tế tại chính quyền địa phương, bởi vậy mới có việc nhân viên phòng khám hướng dẫn người này về trạm y tế phường để khai báo và lấy mẫu xét nghiệm.

“Tuy nhiên theo quy định, trường hợp đã có biểu hiện bệnh như trên phải coi như ca nghi mắc. Nhân viên y tế khi phát hiện lẽ ra phải tạm thời giữ lại, gọi ngay cho CDC hoặc trung tâm y tế để thực hiện các bước chuyên môn tiếp theo” - ông Trung nói.

Trưa 13-5, Sở Y tế Hà Nội ban hành quyết định đình chỉ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh Phòng khám đa khoa quốc tế Thu Cúc để xác minh các thông tin liên quan đến quá trình tiếp nhận, xử lý bệnh nhân COVID-19, đồng thời để đảm bảo công tác an toàn phòng chống dịch bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Bộ Y tế. HÀ PHƯỢNG 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới