Tình hình đại dịch COVID-19 tại khu vực Đông Nam Á trong ngày 8-7 tiếp tục diễn biến phức tạp, trong đó Malaysia ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao kỷ lục kể từ khi đại dịch bùng phát.
Malaysia ghi nhận mức tử vong trong ngày cao kỷ lục
Theo Bộ Y tế Malaysia, Malaysia ngày 8-7 đã ghi nhận 135 trường hợp tử vong mới, nâng tổng số người tử vong trên toàn quốc lên 5.903 người, hãng Channel News Asia đưa tin.
Đây được xem là mức tử vong trong ngày cao nhất tại quốc gia này kể từ đầu dịch. Mức kỷ lục trước đó là 126 người tử vong trong ngày 2-6.
Malaysia ghi nhận mức tử vong vì COVID-19 trong ngày cao kỷ lục. Ảnh: AFP
Malaysia hôm 8-7 cũng ghi nhận 8.868 trường hợp mắc COVID-19 mới, mức nhiễm COVID-19 trong một ngày cao thứ hai kể từ đầu dịch.
Trước đó, mức nhiễm COVID-19 mới trong ngày kỷ lục tại Malaysia là 9.020 ca vào ngày 29-5, buộc chính phủ nước này phải đưa ra các biện pháp nghiêm ngặt hơn ở một số bang trước khi tuyên bố lệnh phong tỏa toàn quốc lần thứ ba được áp dụng từ ngày 1-6.
Theo Channel News Asia, bất chấp thời gian phong tỏa bị kéo dài, số ca nhiễm COVID-19 mới hàng ngày trong tuần này tại Malaysia vẫn tiếp tục gia tăng, duy trì trên mức 6.000 ca sau khi giảm xuống mức 5.000 ca nhiễm mới một ngày vào cuối tháng 6.
Nhiều người dân Malaysia đã bị ảnh hưởng nặng nề vì quá trình phong tỏa kéo dài. Hệ thống y tế tại nước này tiếp tục bị quá tải vì số lượng bệnh nhân nặng ngày càng tăng.
Tính đến ngày 8-7, Malaysia đã ghi nhận tổng cộng 808.658 trường hợp mắc COVID-19.
Thái Lan xem xét siết chặt các hạn chế
Theo hãng tin Reuters, Bộ Y tế Thái Lan hôm 8-7 cho biết đã đề xuất các biện pháp hạn chế du lịch mới cũng như các biện pháp nghiêm ngặt hơn ở các khu vực có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao.
Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh quốc gia này hôm 8-7 đã ghi nhận thêm 7.058 ca nhiễm và 75 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 308.230 và 2.462 ca. Đây là mức tử vong hàng ngày cao nhất được ghi nhận từ khi đại dịch bùng phát tại quốc gia này hồi đầu năm 2020.
Thái Lan xem xét siết chặt các hạn chế. Ảnh: REUTERS
Thủ tướng Prayut Chan-o-cha sẽ xem xét các hạn chế mới trong cuộc họp vào ngày 9-7.
“Chúng tôi có thể cần đưa ra các biện pháp cứng rắn hơn để hạn chế việc đi lại, ngừng các hoạt động tụ tập, đóng cửa nhiều cơ sở hơn và thực hiện các biện pháp cần thiết khác” – ông Prayut cho biết.
Theo Bộ trưởng Y tế Kiatiphum Wongrajit, Bộ Y tế Thái Lan đã đề xuất các biện pháp hạn chế việc đi lại của người dân từ nhà cũng như đi lại giữa các tỉnh, đóng cửa các địa điểm không thiết yếu và các khu vực tập trung đông người.
Các hạn chế sẽ được áp dụng trong 14 ngày và sẽ áp dụng cho khu vực đô thị Bangkok và các "vùng đệm", ông Kiatiphum cho biết, song không nêu chi tiết.
Hiện tại, Thái Lan đã áp dụng các biện pháp tại "khu vực có nguy cơ cao", bao gồm Bangkok và các tỉnh xung quanh, theo đó yêu cầu các trung tâm thương mại đóng cửa sớm và cấm hoạt động ăn uống tại các nhà hàng.
Người dân Indonesia đổ xô đi mua thuốc tẩy giun trị COVID-19
Theo hãng tin AFP, người dân Indonesia đã phớt lờ những lời cảnh báo về sức khỏe khi đổ xô tích trữ Ivermectin, sau khi loại thuốc chống ký sinh trùng này được nhiều người nổi tiếng mô tả là "có thể trị COVID-19".
Các hiệu thuốc trên khắp Indonesia đang "cháy hàng" Ivermectin, loại thuốc được dùng để tẩy giun, trị chấy và các bệnh nhiễm ký sinh trùng khác.
Người dân Indonesia đổ xô đi mua thuốc tẩy giun trị COVID-19. Ảnh: AFP
Nhiều người có ảnh hưởng trên mạng xã hội Indonesia và cả những chính trị gia hàng đầu nước này đã giới thiệu Ivermectin như một loại thuốc "có khả năng điều trị COVID-19".
AFP dẫn lời dược sĩ Yoyon tại một khu chợ thuốc ở thủ đô Jakarta cho biết: “Các khách hàng tới đây đều trưng ảnh chụp màn hình những tuyên bố cho rằng Ivermectin có thể chữa khỏi COVID-19".
Theo Yoyon, lời giới thiệu nhiệt tình của những người nổi tiếng trên mạng đã khiến nhu cầu mua Ivermectin tăng cao, đẩy giá thuốc tăng gần gấp đôi, từ khoảng 12 USD lên mức 21 USD một chai.
Trên tài khoản Twitter có hơn 350.000 người theo dõi của mình, Reza Gunawan - người tự mô tả là "chuyên gia y tế toàn diện" – viết: "Ivermectin là một trong những chìa khóa an toàn và hiệu quả để chấm dứt đại dịch với rất nhiều bằng chứng khoa học".
Ông Iman Sjafei - nhà đồng sáng lập hãng truyền thông Asumsi nổi tiếng ở Indonesia - cũng đăng lên mạng xã hội rằng năm người quen của ông đã khỏi COVID-19 sau khi dùng Ivermectin.
Sau khi nhu cầu về Ivermectin tăng cao ở Mỹ Latinh trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi tháng 3 cảnh cáo rằng bất cứ việc sử dụng loại thuốc nào trong điều trị COVID-19 đều nên được giới hạn trong các thử nghiệm lâm sàng.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ thậm chí còn cảnh báo về những rủi ro khi dùng Ivermectin sau khi có thông tin nhiều trường hợp phải nhập viện vì uống phải loại thuốc dành cho ngựa.