Đại dịch COVID-19 đón chào năm 2021 với làn sóng lây nhiễm thứ ba ở châu Âu, trong khi tình hình ở Mỹ và nhiều nước châu Á thêm nguy hiểm.
Na Uy xuất hiện dấu hiệu làn sóng lây nhiễm thứ ba
Na Uy đã xuất hiện dấu hiệu của làn sóng lây nhiễm thứ ba và sẽ phải áp dụng một loạt biện pháp hạn chế mới trong hai tuần tới để ngăn lây lan, Thủ tướng Erna Sloberg cho biết ngày 3-1.
Trong các hạn chế này có lệnh cấm bán rượu trong nhà hàng, quán bar, mời khách tới nhà, áp dụng trên toàn quốc.
Các trường đại học cho sinh viên ở nhà. Nhà trẻ, trường tiểu học vẫn mở cửa. Trường trung học ưu tiên học từ xa.
Di chuyển đường hàng không bị hạn chế. Na Uy là nước áp dụng nhiều hạn chế đi lại thuộc hàng khắt khe nhất châu Âu, trong đó có quy định yêu cầu người không phải công dân phải chứng minh mình không nhiễm COVID-19 trước khi nhập cảnh.
Một bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt ở bệnh viện Rikshospitalet thuộc đại học Oslo, ở Oslo (NaUy), ngày 27-11-2020. Ảnh: REUTERS
Na Uy chứng kiến đà tăng ca nhiễm từ tháng trước, và theo Thủ tướng Solberg thì nguyên do có thể do các kỳ lễ gần đây cũng như do biến thể virus mới xuất hiện từ Anh.
Na Uy hiện có gần 51.000 người nhiễm trong đó có 426 người chết, tính tới ngày 4-1 (giờ Việt Nam), theo trang thống kê Worldometer.
Anh: Có thể phong tỏa nghiêm ngặt hơn
Trong khi đó, ngày 3-1 Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết nước này có thể sẽ áp dụng nhiều biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt hơn trong bối cảnh số ca nhiễm liên tục tăng. Phần lớn nước Anh đang phải thực hiện mức hạn chế khắt khe nhất trong hệ thống bốn mức được thiết kế để ngăn virus lây lan, bảo vệ hệ thống y tế quốc gia.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại London (Anh) ngày 3-1. Ảnh: REUTERS
Đà tăng ca nhiễm ở Anh đang ở mức kỷ lục và càng đáng ngại hơn khi nước này xuất hiện biến thể mới của virus. Chỉ trong ngày 3-1 Anh ghi nhận con số kỷ lục gần 55.000 ca nhiễm mới và gần 500 người chết.
Tính tới thời điểm này Anh đã có gần 2.655.000 ca nhiễm, trong đó hơn 75.000 người chết.
Mỹ: Định chia liều vaccine ra làm đôi
Trong ngày 3-1, hai quan chức y tế hàng đầu nước này bác bỏ lời của Tổng thống Donald Trump rằng số liệu nhiễm và tử vong vì COVID-19 ở Mỹ đã bị thống kê quá mức thực tế.
Nói với đài ABC News, Tiến sĩ Anthony Fauci – Giám đốc Viện Quốc gia về các bệnh dị ứng và truyền nhiễm, thành viên đội chống dịch của Nhà Trắng nói “những cái chết là những cái chết thật”, và chuyện bệnh viện quá tải cũng là “thật, không phải giả”.
Trong khi đó Tổng Y sĩ Mỹ Jerome Adams khẳng định trên đài CNN rằng các dữ liệu COVID-19 do Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố là chính xác.
Trước đó ông Trump viết trên Twitter: “Các con số ca nhiễm và tử vong ở Mỹ vì virus Trung Quốc bị làm phóng đại lên, vì phương thức xác định nực cười của CDC so với các nước khác, mà nhiều nước chủ ý thông báo con số rất thiếu chính xác và thấp”.
Mỹ hiện vẫn là nước bị dịch hoành hành nặng nhất thế giới với hơn 21,1 triệu ca nhiễm tính đến lúc này trong đó hơn 360.000 người chết. Tính trung bình cứ 950 người Mỹ thì có một người chết.
Tuy nhiên hai ông Fauci và Adams cũng tự tin tiến trình tiêm chủng cho dân diễn ra dần suôn sẻ hơn sau thời gian cập rập ban đầu. Hiện đã có hơn 4,2 triệu dân được tiêm chủng kể từ ngày 14-12-2020 với một trong hai loại vaccine đang lưu hành ở Mỹ (Pfizer/BioNTech hoặc Moderna). Song con số này vẫn còn xa so với mục tiêu mà chính phủ Trump đặt ra là tiêm cho 20 triệu dân trong năm 2020.
Trong khi đó, nói trên đài CBS ngày 3-1, ông Moncef Slaoui – Giám đốc chương trình vaccine liên bang cho biết chính phủ Mỹ đang cân nhắc sẽ chia nhỏ liều vaccine của Moderna ra làm đôi để tăng lượng phủ sóng tiêm chủng.
Vaccine của Moderna được phân phối đến một bệnh viện ở New York (Mỹ) ngày 21-12-2020. Ảnh: REUTERS
Hiện các quan chức đang trao đổi với Moderna và Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ về ý tưởng này. Thông thường vaccine Moderna yêu cầu phải được tiêm hai liều mới có hiệu quả ngăn nhiễm.
“Chúng tôi biết rằng với vaccine của Moderna, tiêm nửa liều lượng cho những người trong độ tuổi từ 18-55, hai liều với một nửa liều lượng, có nghĩa đạt được mục tiêu tăng gấp đôi lượng người được tiêm chủng với số liều chúng ta hiện có. Chúng tôi biết việc này sẽ mang lại phản ứng miễn dịch tương tự” – theo ông Slaoui.
Moderna và FDA chưa bình luận.
Úc: Bang này đến bang khác phải cách ly 14 ngày
Tại Úc, thêm nhiều bang và vùng lãnh thổ áp dụng các hạn chế đi lại sau khi xuất hiện nhiều ổ dịch mới ở hai bang New South Wales và Victoria.
Bang Tasmania cấm người có liên quan đến các ca nhiễm ở Victoria vào bang mình. Trước đó Tasmania cũng liệt các khu Greater Sydney và Wollongong ở bang New South Wales là khu vực nguy hiểm, yêu cầu người đến từ các nơi này phải cách ly 14 ngày, riêng người từ các bãi biển ở bắc Sydney thì không được đến Tasmania.
Đeo khẩu trang tại trung tâm mua sắm ở Sydney (Úc) ngày 3-1. Ảnh: AP
Từ ngày 4-1, đeo khẩu trang trở thành một yêu cầu bắt buộc khi vào trung tâm mua sắm, tham gia giao thông công cộng, các địa điểm giải trí, trung tâm tôn giáo, trung tâm làm đẹp, nếu vi phạm sẽ bị phạt.
Hiện số ca nhiễm ở Úc đã tới gần 28.500 ca nhiễm, trong đó hơn 900 người chết.
Nhật: Tính chuyện ban hành tình trạng khẩn cấp
Tại Nhật, chính phủ sẽ nghe ý kiến các chuyên gia y tế về khả năng ban hành tình trạng khẩn cấp ở Tokyo và ở các tỉnh lân cận vốn đang chứng kiến đà tăng ca nhiễm, theo hãng tin AP.
Ngày 2-1, tỉnh trưởng các tỉnh Tokyo, China, Kanagawa, Saitama đã đề nghị chính phủ trung ương tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Theo AP, Thủ tướng Yoshihide Suga phải phải thận trọng cân nhắc vì kinh tế Nhật đã bị ảnh hưởng nặng từ mùa xuân năm 2020 sau khi người tiền nhiệm Shinzo Abe phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp để chống dịch.
Đà nhiễm ở Nhật tăng cao trong thời gian gần đây. Trong ngày 3-1 nước này ghi nhận tới hơn 3.100 ca nhiễm, trong đó Tokyo tới 816 ca. Nhật đã có tổng cộng gần 241.000 ca nhiễm, trong đó 3.548 người chết, tính tới sáng 4-1.
Ấn Độ: Cấm xuất khẩu vaccine
Ấn Độ ngày 3-1 đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine COVAXIN của công ty công nghệ sinh học nội địa Bharat Biotech, dù hiệu quả của loại vaccine này chưa được công bố công khai. Bharat Biotech cũng cho biết đang đàm phán với hơn 10 nước để bán vaccine COVAXIN.
Vaccine COVAXIN được tiêm cho một nhân viên y tế trong giai đoạn thử nghiệm, ngày 26-11-2020. Ảnh: REUTERS
Cùng ngày, công ty Serum Institute of India – công ty sản xuất vaccine ở Ấn Độ cho biết chính phủ nước này sẽ không cho phép xuất khẩu vaccine do Oxford University-AstraZeneca phát triển trong vài tháng. Serum Institute of India đã ký hợp đồng cung cấp 1 tỉ liều vaccine cho các nước đang phát triển.
Lệnh cấm này đồng nghĩa với việc các nước phải chờ vào tháng nữa mới nhận được vaccine từ Ấn Độ. Đồng thời theo đó chương trình COVAX –do Tổ chức Y tế thế giới và hai liên minh vaccine GAVI và CEPI lập ra để cung cấp vaccine cho các nước – sẽ chưa thể bắt đầu công việc phân phối sau tháng 3 hoặc thậm chí sau tháng 4.
Người dân đeo khẩu trang tại một khu chợ ở Jammu (Ấn Độ) ngày 3-1. Ảnh: AP
Ấn Độ hiện đang là nước bị dịch hoành hành nặng thứ hai thế giới (sau Mỹ), với hơn 10,3 triệu ca nhiễm tính đến thời điểm này, trong đó gần 150.000 người chết.
Hàn Quốc: Một ngày gần ngàn ca nhiễm nội địa
Tại Hàn Quốc, hãng tin Yonhap ngày 4-1 dẫn số liệu từ Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết trong 24 giờ qua nước này có đến 1.020 ca nhiễm mới, với 18 người chết. Đáng lo ngại là trong 1.020 ca nhiễm mới này chủ yếu là nhiễm nội địa (985 ca).
Ghế chờ tại sân bay Incheon (Hàn Quốc) vắng vẻ ngày 3-1. Ảnh: YONHAP
Số ca nhiễm ở Hàn Quốc những ngày qua liên tục ở mức cao, một phần lý do vì đang mùa lễ hội cộng với thời tiết lạnh mùa đông.
Hiện Hàn Quốc đã có hơn 64.000 ca nhiễm trong đó 981 người chết.