Dịch sởi tăng 50%, cả nhà 'rủ nhau' nhập viện

Gần đây số người lớn mắc sởi, đặc biệt là bà bầu nhập viện liên tục. Đây là diễn biến bất thường trong thời điểm tháng 1 lẽ ra là cuối mùa sởi. Tại các bệnh viện (BV) như Bệnh nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 (TP.HCM), hàng trăm ca mắc sởi đang được điều trị.

Bà bầu sinh non vì mắc sởi

BS Huỳnh Thị Thúy Hoa, Trưởng khoa Nội A, BV Bệnh nhiệt đới, cho biết đầu năm 2018 BV chỉ tiếp nhận rải rác vài ca mắc sởi. Đến cuối năm số bệnh nhân sởi nhập viện ngày càng nhiều, đỉnh điểm là tháng 12 với 269 ca. Từ đầu năm 2019 đến nay số ca bệnh tiếp tục tăng, khoảng 65-70 ca/ngày. Thậm chí có ba gia đình 3-4 người trong một nhà lây bệnh cho nhau rồi cùng vào BV.

“Hiện có 50% người lớn, đặc biệt là những phụ nữ có thai mắc sởi có thể có biến chứng sinh non, thậm chí là thai lưu như trường hợp một thai phụ vào tháng 11 vừa qua. Tháng 12 cũng có ba thai phụ sinh non khi thai mới 24 tuần, các bé này hiện được chăm sóc tại các BV phụ sản, còn mẹ được theo dõi và điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới” - BS Hoa cho biết thêm.

Khuôn mặt phờ phạc, chị Kim Thị Ngọc Nhi (28 tuổi, ngụ Trà Vinh) cho biết chị đang mang thai tuần thứ bảy. Mấy ngày trước chị đột nhiên bị sốt, đi khám ở địa phương được bác sĩ cho thuốc uống không hết nên mới đến BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM khám và được giữ lại theo dõi do mắc sởi. “Trước khi mang thai tôi không để ý chích ngừa và cũng không rõ lắm về bệnh sởi” - chị thật thà.

Gần đó là chị Võ Thị Thanh Thủy (31 tuổi, ngụ Long An) mang thai tuần thứ 12. Trước đó một tuần chị bị sốt không rõ nguyên nhân, da nổi nhiều ban đỏ nên được chồng đưa vào BV khám. “Hồi nào giờ tôi cũng ít có nghe bệnh này, chứ không đã đi chích ngừa trước khi mang thai cho chắc ăn rồi. Mấy ngày trước tôi nhận giấy đi chích ngừa rubella kèm sởi nhưng vì đã có bầu nên không chích được” - chị chia sẻ.

Người lớn, trẻ em, bà bầu nhập viện điều trị bệnh sởi gia tăng đáng kể.  Ảnh: H.LAN

“Tưởng sởi là bệnh trẻ em”

Không chỉ bà bầu, nhiều người lớn khỏe mạnh cũng nhập viện vì sởi. Mệt mỏi vì bệnh sởi hành, anh Võ Văn Anh Lộc (26 tuổi) cho hay ba ngày trước anh bị nóng sốt, mình nổi đốm đỏ và ho. Tưởng mắc sốt xuất huyết anh nhập viện điều trị, không ngờ được chẩn đoán mắc sởi. “Cả nhà không có ai bị gì cả, chỉ có mình tôi. Tôi không rõ lúc nhỏ mình có được chích ngừa không, với lại tưởng bệnh này chỉ có ở trẻ em thôi chứ” - anh Lộc nói.

Sang ngày thứ hai điều trị, anh Nguyễn Minh Giang (33 tuổi, ngụ An Giang) cho hay mấy ngày trước anh bị ho, sốt nên vào BV địa phương và được chẩn đoán lao phổi. Tuy nhiên, điều trị cả tuần không hết nên anh tự đến BV Bệnh nhiệt đới để được chẩn đoán lại. “Người lớn kể lúc tôi hơn một tuổi đã từng bị sởi biến chứng viêm phổi rồi, không ngờ 30 năm sau bị lại. May là các con tôi đều chích ngừa hết rồi” - anh kể.

Chăm cháu ngoại là bé Văn Thị Mỹ Tuyết (12 tháng tuổi, ngụ quận 11, TP.HCM) tại BV, bà Phạm Thị Kim Loan cho hay hơn hai tuần nay mệt rã rời vì phải chăm hai đứa cháu cùng mắc sởi. “Hết đứa chị đi viện về thì đến đứa em vô viện. Cả hai đứa đều chưa được chích ngừa vì mẹ nó đi làm bận miết, không có thời gian” - bà thở dài.

Dịch sởi tăng 50% so với cùng kỳ

Lý giải sự gia tăng đột biến ca sởi vào đầu năm, BS Hoa cho hay sởi là bệnh truyền nhiễm thường lặp lại sau chu kỳ 4-5 năm. Nếu tính một năm có khoảng 20% trẻ chưa được chích ngừa hoặc chích nhưng không đầy đủ sẽ khiến khả năng tạo miễn dịch thấp. Cộng dồn số trẻ chưa có miễn dịch này lại, khoảng 4-5 năm sẽ tạo một đợt dịch lớn.

“Năm 2014, BV Bệnh nhiệt đới ghi nhận có 2.596 ca sởi. Dự báo thời gian tới số ca mắc sẽ tiếp tục gia tăng. Hiện khoa đã hết giường cho bệnh nhân điều trị nội trú do lượng bệnh gấp đôi tháng trước và tăng khoảng 50% so với cùng kỳ” - BS Hoa cho hay.

Cũng theo BS Hoa, khi mắc sởi không nhất thiết phải nhập viện mà có thể khám tại cơ sở y tế quận/huyện, các phòng khám đa khoa… rồi điều trị cách ly tại nhà. Chỉ những người cơ địa đặc biệt dễ có nguy cơ biến chứng như phụ nữ mang thai, trẻ bị biến chứng viêm tai giữa hay viêm phổi… mới cần nhập viện. Khi mắc bệnh, thời gian quan trọng là hai ngày trước phát ban và 4-5 ngày sau phát ban. Thời gian này bệnh nhân cần cách ly tại nhà để theo dõi, đeo khẩu trang y tế, vệ sinh tay, tránh đi đến những nơi đông người phòng lây bệnh cho người chưa có miễn dịch.

Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1, đang có một lỗ hổng tiêm chủng trong cộng đồng khiến dịch sởi quay lại. “Mỗi năm khoảng 7-10 trẻ trong một địa phương không chích ngừa thì năm năm sau sẽ có gần 50 trẻ không có miễn dịch. Lúc đó chắc chắn những trẻ này sẽ mắc bệnh và lây cho người khác, vì tỉ lệ chích ngừa trong cộng đồng không đạt độ bao phủ để tạo miễn dịch” - BS Khanh phân tích.

Bệnh sởi có chiều hướng gia tăng

BV Nhi đồng 2 đang điều trị 61 ca mắc sởi, trong đó năm ca đang phải thở ôxy. Bệnh nhi nhỏ tuổi nhất mới chỉ 3-4 tháng và hầu hết đều có bệnh nền như tim mạch, hô hấp, bại não, động kinh… nên khá nguy hiểm.

BS ĐỖ CHÂU VIỆTTrưởng khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 2

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm