Ngày 1-9, BS Tiêu Châu Thy, khoa Nhiễm Thần kinh BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết khoa đang điều trị cho ba bệnh nhi dưới chín tháng tuổi (thời điểm chưa được chích ngừa sởi) mắc sởi nhập viện trong vòng một tuần qua.
Ba bệnh nhi sinh sống ở ba tỉnh khác nhau. Nhỏ tuổi nhất là bệnh nhi TXT (bảy tháng tuổi, ngụ tại Tân Châu, An Giang). Hai bệnh nhi khác cùng tám tháng tuổi là LNNY (ngụ tại Bình Dương) và PTN (ngụ tại Long An).
Nốt ban đỏ lan rộng trên người bé Y. Ảnh: HL
Chị NTTĐ, mẹ bé Y., cho biết cách một tuần trước khi đưa bé nhập viện, ba của bé có nổi ban trên người và đi khám ra bệnh sốt phát ban. Một tuần sau đến lượt bé cũng nổi vài nốt đỏ như rôm sảy trên mặt, sốt nhẹ. Bé cũng được đưa đi khám và cho biết sốt phát ban nhưng không hết sốt nên gia đình đưa xuống BV Nhi đồng 1. Tại đây, bác sĩ kết luận bé mắc sởi nên gia đình cho bé nhập viện luôn.
“Có lẽ bé bị lây bệnh từ cha. Bình thường hai vợ chồng đi làm công nhân nên phải gửi con nhưng chỗ nhà trẻ không có bé nào bị cả. Dự định bé vừa đủ chín tháng tuổi, tôi sẽ đưa bé đi chích ngừa sởi, không ngờ bé bệnh trước rồi”, chị Đ. chia sẻ.
Trường hợp bé N., bà NTĐ, bà ngoại của bé, cho biết cách đây một tuần, bé được đưa đến BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) để nong tim. Về nhà được hai bữa, bé lên cơn sốt, ban đầu nổi ít hột đỏ trên chân mày nên gia đình nghi ngờ bé mắc sởi nên đưa quay trở lại nhập viện. Trường hợp còn lại, được biết, mẹ bé cũng đang mắc sởi.
BS Thy cho biết các trẻ chưa đủ tuổi chích ngừa sởi sẽ dễ mắc sởi khi tiếp xúc với virus sởi. Tuy nhiên, nếu người mẹ có kháng thể kháng sởi do từng chích ngừa sởi hoặc từng mắc sởi sẽ bảo vệ con tốt hơn.
Sởi có biểu hiện ban đầu giống sốt phát ban, tuy nhiên sốt phát ban hai ba ngày sau sẽ tự hết và không để lại biến chứng, còn sởi gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm kết mạc, viêm giác mạc, viêm phổi nặng, suy dinh dưỡng sau đợt bệnh... Bình thường, trẻ sốt hai ngày đã nên đi khám nhưng sốt kèm nổi ban thì nên đưa trẻ đi khám sớm hơn.