Trong khi đó người dân lại đang phòng ngừa theo kiểu người bị rồi mới lo lắng, còn người chưa bị lại cứ lửng lơ khiến tình hình mỗi lúc một nghiêm trọng.
Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước hiện có gần 50.000 người mắc sốt xuất huyết (SXH) tại 48 tỉnh, thành phố với gần 20 trường hợp tử vong, tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, dịch bùng phát mạnh và tập trung nhiều ở các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Cả làng mắc SXH
Huyện Ea H’leo, Đắk Lắk, một trong những huyện có số người mắc SXH nhiều nhất được Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk công bố đầu tháng 8. Tình hình nhà nhà nhập viện vì SXH, người người có triệu chứng SXH gây cho người dân rất hoang mang.
Theo ghi nhận của PV báo Pháp Luật TP.HCM tại các xã EaWy, CuMôt - Ea H’leo, cứ 10 nhà lại có đến tám nhà có người mắc SXH nhập viện. Có gia đình bốn thành viên thì cả bốn đều phải nhập viện vì SXH. Ông Nguyễn Đức Thành (huyện Ea H’leo, Đắk Lắk) đang điều trị tại BV Đa khoa tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Nhà có bốn người mà tất cả đều bị sốt xuất huyết, ban đầu tôi và vợ có cảm giác ớn lạnh, sốt nhẹ, sau đó nặng hơn đi khám thì bác sĩ nói bị SXH, hai đứa con gái lên chăm bố vài ngày sau thì cũng mắc SXH luôn. Giờ cả nhà phải chăm nhau ở bệnh viện. Đây là lần đầu tiên tôi thấy SXH tràn lan ghê gớm ở huyện mình như vậy. Sợ suýt chết” - ông Thành nói. Trong khi đó, lượng bệnh nhân quá đông tại Đắk Lắk khiến các bác sĩ phải gồng mình điều trị, người bệnh phải kê giường nằm hàng dài ngoài hành lang bệnh viện.
Trước đó, theo thống kê từ đầu năm đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã có gần 8.000 trường hợp mắc SXH, trong đó bốn người đã tử vong. SXH tập trung nhiều ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum. Riêng tỉnh Đắk Lắk từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hơn 3.600 trường hợp SXH. Bệnh xảy ra ở 145/184 xã, phường tại 15/15 huyện, thị xã, thành phố, trong đó hai địa phương có số mắc SXH cao nhất là TP Buôn Ma Thuột và huyện Ea H’leo.
Bệnh nhân mắc SXH quá đông phải kê giường ra hành lang nằm điều trị tại BV Đa khoa tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: UYÊN NHI
Bến Tre có thể mất khả năng kiểm soát
Riêng tại tỉnh Bến Tre, Sở Y tế cho biết từ đầu năm đến hết tháng 7, trên địa bàn ghi nhận hơn 1.400 ca mắc SXH, (trong đó đã có một trường hợp tử vong) cao hơn gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tình hình SXH tăng cao khiến các khoa Nhiễm, Nhi... của BV Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) luôn trong tình trạng quá tải. Gần như khoa Nhiễm, khoa Nhi chủ yếu điều trị các bệnh nhân SXH, trong đó khoa Nhiễm điều trị bệnh nhân lớn tuổi, còn khoa Nhi điều trị bệnh nhân nhỏ tuổi. Trong khi đó theo dự đoán của các chuyên gia y tế, đỉnh dịch sẽ rơi vào những tháng cuối mùa mưa như tháng 9, 10 tới. Và nếu trong tình trạng này, Bến Trẻ rất dễ mất khả năng kiểm soát dịch SXH.
TP.HCM: Số ca liên tục tăng
Tại TP.HCM, chỉ riêng hai BV Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2, số lượng trẻ mắc SXH trong tháng 8 đã tăng khá nhiều. Cụ thể, tại BV Nhi đồng 1, những ngày đầu tháng 8 đến nay trung bình có gần 80 trẻ mắc bệnh SXH nằm điều trị/ngày. Còn tại BV Nhi đồng 2, chỉ trong ba ngày từ 15 đến 18-8, số ca điều trị ngoại trú SXH đã lên đến 105 ca, nâng số ca nửa đầu tháng 8 lên 413 ca. Trong khi cả tháng 7 số ca SXH tại đây chỉ có 440.
Số liệu từ Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho thấy tháng 7 toàn TP có 875 ca SXH nhập viện, trong khi tháng 5 và 6 lần lượt là 616 và 527. Cũng theo Trung tâm Y tế dự phòng TP xác định, đã có nhiều trường hợp tử vong do SXH từ đầu năm đến nay, tập trung rất nhiều vào các điểm nguy cơ. Trong khi đó, toàn TP đã phát hiện có đến gần 3.440 điểm nguy cơ (31%) phát triển lăng quăng, chưa kể trên 720 điểm nguy cơ mới phát sinh trên địa bàn. Những vùng nguy cơ cao này chủ yếu tập trung tại hai quận Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn.
BS Trương Hữu Khanh, BV Nhi đồng 1 TP.HCM, cảnh báo nếu thấy em bé sốt khoảng hai đến ba ngày dù không có những triệu chứng gì liên quan đến SXH như bầm máu dưới da, ho ra máu, đi tiêu ra máu, đau bụng vùng gan... thì vẫn phải dè chừng đó là SXH và phải chủ động đưa trẻ đi khám bệnh để bác sĩ có thể xét nghiệm máu và chẩn bệnh. “Có một số trường hợp khá đặc biệt là khi bé sốt bác sĩ có thể phát hiện được triệu chứng rất rõ ràng của viêm phổi, viêm họng thì gia đình mới có thể yên tâm được bé không mắc SXH” - BS Khanh cho biết.
SXH tăng không theo quy luật Năm 2015, tình trạng SXH lên đến báo động tại TP.HCM với hơn 22.576 người mắc SXH phải điều trị, tăng 115% so với cùng kỳ năm 2014. Khi đó lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng đã cho rằng SXH tăng theo chu kỳ. Cứ năm năm lại tăng một lần, năm 2016 sẽ là năm SXH giảm. Thế nhưng qua tám tháng đầu năm, thực tế này đã chưa hoàn toàn chính xác. Và dường như tình trạng SXH đang rơi vào “vỡ trận” không chỉ tại TP.HCM mà xảy ra tại cả Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Giải thích về vấn đề này, PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho hay gần đây khu vực miền Tây bị xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu cùng với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, di dân... đã tạo môi trường thuận lợi cho SXH tồn tại và phát triển. Ông cho rằng SXH đang bùng phát với tốc độ kinh khủng trên thế giới. ___________________________________ Thực tế ai cũng biết SXH là bệnh do muỗi truyền nhưng có một nghịch lý là người chưa bị lại lơ là với dịch, chỉ có người bị rồi họ mới lo lắng. Vì thế bệnh cứ xảy ra hoài và rất khó kiểm soát nếu không được tuyên truyền cảnh báo cụ thể. BS TRƯƠNG HỮU KHANH, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1 |