Ổ dịch này được phát hiện từ ngày 22-7, đến ngày 12-8 đã có năm ca SXH (một ca tử vong - PV) và hai ca sốt.
Đặc biệt trong vòng bốn ngày (từ ngày 4 đến 8-8), ngành y tế TP.HCM phát hiện bốn ca mắc SXH tại khu vực nói trên.
Theo Sở Y tế TP.HCM, khu vực xảy ra ổ dịch SXH là vùng bán thành thị, dân cư đông, xen kẽ những khu đất trống, có sân vườn và chăn nuôi gia súc.
Trung tâm Y tế dự phòng huyện Hóc Môn và Trạm Y tế xã Đông Thạnh đã xử lý ổ dịch kịp thời. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức diệt lăng quăng, ngành y tế của huyện còn bỏ sót những vật phế thải đọng nước ngoài nhà. Sở Y tế TP đề nghị Trung tâm Y tế dự phòng huyện Hóc Môn xác định lại phạm vi ổ dịch bán kính 200 m. Đồng thời tổ chức diệt lăng quăng toàn bộ phạm vi ổ dịch, sau đó phun hóa chất.
Trung tâm Y tế dự phòng huyện Hóc Môn (TP.HCM) dựng bảng cảnh báo tại khu vực xuất hiện ổ dịch SXH. Ảnh: TRẦN NGỌC
Trước thực trạng trên, UBND huyện Hóc Môn chỉ đạo các cấp chính quyền và ban ngành huy động mọi nguồn lực tại khu phố/ấp, tổ dân phố phân công nhân sự giám sát các điểm nguy cơ để có hướng xử lý phù hợp. Đồng thời tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh trên địa bàn. Bên cạnh đó, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Trong khi đó, báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho thấy số ca mắc SXH trên địa bàn TP có chiều hướng gia tăng. Tháng 7 có 875 ca SXH nhập viện, trong khi tháng 5 và 6 lần lượt là 616 và 527.
Từ đầu năm 2016 đến nay, TP.HCM cũng đã ghi nhận ba ca tử vong do SXH. Theo nhận định của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, dịch SXH có nguy cơ bùng phát vào tháng 9 và 10 vì đây là thời điểm mưa nhiều.
Điều đáng quan tâm, qua giám sát gần 10.980 điểm nguy cơ SXH ngoài cộng đồng mới đây, ngành y tế TP.HCM phát hiện có đến 3.440 điểm nguy cơ (31%) có lăng quăng. Chưa hết, ngành y tế còn ghi nhận trên địa bàn TP có trên 720 điểm nguy cơ mới phát sinh. Vùng nguy cơ cao về SXH tập trung chủ yếu ở quận Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn.