Ngày 20-1 (giờ Mỹ), ông Donald Trump sẽ dự lễ tuyên thệ nhậm chức, chính thức đảm nhận vị trí tổng thống Mỹ nhiệm kỳ thứ 2. Về lại Nhà Trắng, ông Trump sẽ nắm quyền lực lớn trong nhánh hành pháp của Mỹ và những quan điểm, phát ngôn của ông sẽ có tác động lớn đến chính trường nước Mỹ và thế giới.
Tuy nhiên, ngay từ trước thời điểm ông Trump nhậm chức, chính trường thế giới đã "náo động" qua loạt động thái và phát ngôn của ông.
Nỗ lực cứu TikTok
Ngày 27-12-2024, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đề nghị Tòa án Tối cao Mỹ tạm dừng lệnh cấm TikTok tại nước này, trong bối cảnh lệnh cấm TikTok sẽ có hiệu lực vào ngày 19-1.
Theo đài CNN, trong bản kiến nghị gửi đến tòa, ông Trump đề xuất hoãn ngày có hiệu lực của lệnh cấm "để cho phép chính quyền mới của ông theo đuổi một giải pháp đàm phán có thể ngăn chặn việc đóng cửa TikTok trên toàn nước Mỹ, từ đó bảo vệ quyền trong Tu chính án thứ nhất của hàng chục triệu người Mỹ, đồng thời giải quyết các mối quan ngại về an ninh quốc gia của chính phủ".
Tờ The New York Times hôm 16-1 đưa tin rằng Tổng thống đắc cử Mỹ cũng đang cân nhắc một sắc lệnh hành pháp nhằm cho phép TikTok tiếp tục hoạt động tại Mỹ bất chấp luật cấm cho đến khi tìm được chủ sở hữu mới.
Dù vậy, nỗ lực này của ông Trump vẫn chưa phát huy hiệu quả.
Ngày 17-1, Tòa Tối cao Mỹ chính thức ra phán quyết duy trì luật cấm mạng xã hội TikTok tại Mỹ vì lý do an ninh quốc gia, nếu công ty mẹ của TikTok là ByteDance (có trụ sở tại Trung Quốc) không thoái vốn khỏi ứng dụng này trước ngày 19-1.
Với việc toàn bộ 9 thẩm phán của Tòa Tối cao Mỹ bỏ phiếu ủng hộ, phán quyết của Tòa đã hoàn toàn bác bỏ lập luận của TikTok rằng luật cấm TikTok đang vi phạm Tu chính án thứ nhất. Thay vào đó, Tòa cho rằng mối quan ngại an ninh quốc gia của chính phủ Mỹ về mối quan hệ giữa ứng dụng này với Trung Quốc là một cơ sở đủ chính đáng.
Loạt phát ngôn liên quan vấn đề lãnh thổ
Trong tháng 12-2024, ông Trump đã có loạt phát ngôn liên quan vấn đề lãnh thổ.
Ngày 18-12-2024, ông nói rằng nước Mỹ có thể sáp nhập Canada và biến quốc gia láng giềng phía bắc này thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ, theo đài CBC.
"Nhiều người Canada muốn Canada trở thành tiểu bang thứ 51 [của Mỹ]. Họ sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền thuế và chi phí bảo vệ quân sự. Tôi nghĩ đó là một ý tưởng tuyệt vời. Tiểu bang thứ 51” – tổng thống đắc cử Mỹ viết trên trang mạng xã hội Truth Social.
Đến ngày 22-12-2024, tổng thống đắc cử Mỹ thông báo trên mạng xã hội Truth Social rằng ông đã chọn cựu đại sứ Mỹ tại Thụy Điển Ken Howery làm đại sứ Mỹ tại Đan Mạch. Trong bài viết này, ông Trump bình luận về tình trạng của đảo Greenland – một lãnh thổ tự trị của Đan Mạch và là nơi có một căn cứ không quân lớn của Mỹ.
"Vì mục đích an ninh quốc gia và tự do trên toàn thế giới, Mỹ cảm thấy rằng quyền sở hữu và kiểm soát Greenland là điều hoàn toàn cần thiết" – ông Trump cho hay.
Cùng ngày, tại sự kiện thường niên AmericaFest ở bang Arizona (Mỹ), tổng thống đắc cử Mỹ cũng đã đưa ra lời cảnh báo rằng sẽ lấy lại quyền kiểm soát của Mỹ đối với Kênh đào Panama.
"Chúng ta sẽ yêu cầu trả lại Kênh đào Panama cho chúng ta, toàn bộ, nhanh chóng và không cần thắc mắc" – ông Trump nói.
Trong cuộc họp báo tại tư dinh Mar la-go ngày 7-1, ông Trump nói rằng thâm hụt thương mại của Mỹ với Mexico đang rất lớn.
“Chúng ta sẽ đổi tên Vịnh Mexico thành Vịnh Mỹ. Một cái tên thật đẹp và hợp lý nữa. Mexico cần phải ngừng cho phép hàng triệu người đổ vào đất nước chúng ta” - theo ông Trump.
Các phát ngôn của ông Trump đã vấp phải phản ứng mạnh từ các nước liên quan.
Tháng 12-2024, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã thẳng thừng loại bỏ mọi khả năng Canada sẽ trở thành một phần của Mỹ, đồng thời chỉ trích dữ dội phát ngôn của ông Trump.
“Việc Canada trở thành một phần của Mỹ là không thể. Người lao động và cộng đồng ở cả hai nước đều được hưởng lợi khi trở thành đối tác thương mại và an ninh lớn nhất của nhau” – ông Trudeau viết trên mạng xã hội X (Twitter).
Ngày 23-12-2024, lãnh đạo Greenland – ông Mute Egede tuyên bố rằng hòn đảo lớn nhất thế giới này không phải để bán.
"Greenland là của chúng tôi. Chúng tôi không phải để bán và sẽ không bao giờ bị bán. Chúng tôi không được phép thua cuộc đấu tranh lâu dài giành tự do" – ông Egede cho hay.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Panama – ông Javier Martínez-Acha tuyên bố rằng chủ quyền của Panama đối với Kênh đào Panama là điều "không thể thương lượng".
“Kênh đào của chúng tôi tồn tại để phục vụ nhân loại và thương mại toàn cầu. Đó là đóng góp quan trọng của Panama cho thế giới – đảm bảo hòa bình và tránh mọi xung đột quốc tế. Kênh đào chỉ nằm dưới sự kiểm soát của người dân Panama và điều đó sẽ không thay đổi” – ông Martínez-Acha đáp trả tuyên bố của ông Trump.
Phần mình, ngày 8-1, Tổng thống Mexico – bà Claudia Sheinbaum lên tiếng rằng Bắc Mỹ, bao gồm nước Mỹ, có thể được đổi tên thành "Mexican America" (Mỹ Mexico) — một tên gọi mang tính lịch sử từng xuất hiện trên bản đồ đầu tiên của khu vực này, nhằm đáp trả phát ngôn của ông Trump về việc đổi tên Vịnh Mexico thành Vịnh Mỹ.
"Mexican America, nghe cũng hay đấy" – bà Sheinbaum đùa, đồng thời chỉ vào tấm bản đồ năm 1607 minh họa hình ảnh đầu tiên của khu vực Bắc Mỹ.
Đồng quan điểm, cựu Bộ trưởng Văn hóa Mexico – ông Jose Alfonso Suarez del Real cũng chia sẻ thêm rằng từ thế kỷ 17 "Mexican America" đã được công nhận là tên gọi của toàn bộ phần phía bắc lục địa châu Mỹ.
Đề cập Vịnh Mexico, ông Suarez del Real nhấn mạnh rằng cái tên này đã được công nhận rộng rãi trên toàn thế giới và đã xuất hiện trong các tài liệu tham chiếu hàng hải suốt hàng trăm năm.
Thỏa thuận ngừng bắn Gaza
Tại cuộc họp báo ở Doha (Qatar) vào ngày 15-1, Thủ tướng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani cho biết thông báo các nhà đàm phán đã đạt được một thỏa thuận theo từng giai đoạn nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Gaza giữa Israel và Hamas. Ngày 17-1, nội các Israel đã thông qua thỏa thuận này.
Ngay sau khi có tin về việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn, ông Trump lập tức có phát ngôn liên quan vấn đề này.
“Chúng ta có một thỏa thuận cho các con tin ở Trung Đông. Họ sẽ sớm được thả” – tổng thống đắc cử Mỹ viết trên mạng xã hội Truth Social.
Ông Trump nói rằng thỏa thuận "chỉ có thể xảy ra do chiến thắng lịch sử của chúng ta vào tháng 11, vì nó báo hiệu cho toàn thế giới rằng chính quyền của tôi sẽ tìm kiếm hòa bình và đàm phán các thỏa thuận để đảm bảo an toàn cho tất cả người Mỹ và các đồng minh của chúng ta".
Ông Trump cho biết nhóm an ninh quốc gia của ông thông qua những nỗ lực của ông Steve Witkoff – người được ông Trump chọn làm đặc phái viên về Trung Đông trong chính quyền mới – sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Israel và các đồng minh.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy hoà bình thông qua sức mạnh trên khắp khu vực, khi chúng tôi phát huy động lực của thỏa thuận ngừng bắn này để mở rộng hơn nữa Hiệp định Abraham lịch sử” – ông Trump nói, ám chỉ đến một loạt các thỏa thuận được chính quyền của ông trong nhiệm kỳ đầu thúc đẩy, trong đó chứng kiến Israel bình thường hóa quan hệ với 4 quốc gia Ả Rập.