Cùng được Quốc hội khóa XV thông qua, Luật Đấu thầu 2023; Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 và Luật Thi đua, khen thưởng 2022, sẽ chính thức có hiệu lực từ hôm nay (1-1-2024) với nhiều điểm mới nổi bật.
Rút ngắn thời gian tối đa hoàn trả bảo đảm dự thầu
Luật Đấu thầu 2023 quy định trong một số trường hợp như đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với lựa chọn nhà đầu tư… thì nhà thầu, nhà đầu tư phải thực hiện một trong các biện pháp bảo đảm trách nhiệm dự thầu như đặt cọc, nộp thư bảo lãnh…
Khi đó, bên mời thầu phải có trách nhiệm hoàn trả hoặc giải tỏa bảo đảm dự thầu cho nhà thầu, nhà đầu tư không được lựa chọn theo thời hạn quy định trong hồ sơ mời thầu.
Tuy nhiên, thời hạn hoàn trả đã được rút ngắn từ không quá 20 ngày (theo Luật Đấu thầu 2013) xuống còn không quá 14 ngày kể từ ngày kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư được phê duyệt.
Đối với nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn, bảo đảm dự thầu được hoàn trả hoặc giải tỏa khi hợp đồng có hiệu lực.
Ngoài ra, Luật Đấu thầu mới cũng bổ sung một số hành vi bị cấm trong đấu thầu.
Đơn cử, cấm nhà thầu, nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đã tham dự thầu và đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu nhưng cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh năng lực, kinh nghiệm khi được bên mời thầu yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc khi được yêu cầu đối chiếu tài liệu nhằm tạo điều kiện để một bên trúng thầu (thông thầu).
Hay có hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, an ninh mạng nhằm can thiệp, cản trở việc đấu thầu qua mạng.
Quy định mới về khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự
Cùng có hiệu lực từ ngày 1-1-2024, Thông tư 105/2023 của Bộ Quốc phòng quy định vẫn có thể chọn nhập ngũ đối với người loạn thị, người mù màu trục xanh lá - đỏ mức độ nhẹ.
Ngoài ra, thông tư cũng có quy định mới, người bị trầm cảm sẽ không đủ điều kiện đi nghĩa vụ quân sự.
Bổ sung nhiều quyền lợi cho người bệnh
Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 9-1-2023, tại kỳ họp bất thường lần thứ hai, với rất nhiều quy định mới.
Liên quan đến người bệnh, luật mới bổ sung đối tượng được ưu tiên khám chữa bệnh (KCB) là người khuyết tật đặc biệt nặng và người từ đủ 75 tuổi trở lên (thay vì phải từ đủ 80 tuổi như luật cũ), bên cạnh các đối tượng như: cấp cứu, trẻ em dưới sáu tuổi, người khuyết tật nặng, người có công với cách mạng, phụ nữ có thai.
Bên cạnh đó, quyền lợi của bệnh nhân cũng được quy định cụ thể, đầy đủ hơn trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023.
Người bệnh sẽ được hướng dẫn cách tự theo dõi, chăm sóc, phòng ngừa tai biến; được tôn trọng về tôn giáo, tình trạng sức khỏe, điều kiện kinh tế…
Người bệnh cũng được giữ bí mật về những thông tin về đời tư đã cung cấp cho người hành nghề trong quá trình KCB; chứ không chỉ mình thông tin ghi trong hồ sơ bệnh án như luật cũ.
Một trong những điểm mới quan trọng khác của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 liên quan đến những người hành nghề y.
Theo luật cũ, về điều kiện chuyên môn, bác sĩ, y sĩ… đã thực hành đủ thời gian theo quy định (ví dụ: 18 tháng tại bệnh viện, viện nghiên cứu có giường bệnh đối với bác sĩ), được xác nhận quá trình thực hành sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề.
Chứng chỉ hành nghề được cấp một lần và có giá trị trong phạm vi cả nước.
Nay “chứng chỉ hành nghề” theo luật cũ sẽ được gọi là “giấy phép hành nghề” theo luật mới.
Đáng chú ý, bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh… sau khi đã hoàn thành việc thực hành KCB sẽ phải thực hiện kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề trước khi đề nghị cấp giấy phép hành nghề.
Mỗi người hành nghề chỉ được cấp một giấy phép hành nghề có giá trị trong phạm vi toàn quốc và có thời hạn năm năm. Khi giấy phép hết hạn sẽ được gia hạn mà không phải kiểm tra, đánh giá năng lực. Tuy nhiên, phải đáp ứng các yêu cầu về sức khỏe, về quy định cập nhật kiến thức y khoa liên tục…
Quy định về việc kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề KCB trước khi cấp giấy phép sẽ bắt đầu áp dụng từ ngày 1-1-2027 đối với chức danh bác sĩ; từ ngày 1-1-2028 đối với các chức danh y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh và từ ngày 1-1-2029 đối với các chức danh kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng.
Đối với chứng chỉ hành nghề cấp trước ngày 1-1-2024 được chuyển đổi sang giấy phép hành nghề theo lộ trình do Chính phủ quy định và thực hiện việc gia hạn theo định kỳ năm năm một lần kể từ ngày chuyển đổi.•
Thay đổi tiêu chuẩn danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”
Luật Thi đua, khen thưởng 2022 được Quốc hội thông qua ngày 15-6-2022, đã sửa đổi và bổ sung một số nguyên tắc trong việc khen thưởng.
Theo đó, không khen thưởng nhiều lần, nhiều hình thức cho một thành tích đạt và chú trọng khen thưởng cá nhân, tập thể, hộ gia đình trực tiếp lao động, sản xuất, kinh doanh…
Bên cạnh đó, nếu như luật cũ quy định để đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở thì cá nhân cần có sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận hoặc có đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu được áp dụng hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được đơn vị công nhận.
Tuy nhiên, Luật Thi đua, khen thưởng 2022 quy định chỉ cần đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được cơ sở công nhận…
Như vậy, với những cá nhân không có sáng kiến nhưng đạt tiêu chuẩn danh hiệu Lao động tiên tiến hoặc Chiến sĩ tiên tiến thì vẫn được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở theo luật mới, từ ngày 1-1-2024.